Đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, phát triển lành mạnh

09:02, 05/02/2013

Lễ hội là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Những năm qua, lễ hội phát triển mạnh trên phạm vi cả nước, tuy nhiên sự thiếu nền nếp nhiều khi xô bồ đã che lấp những tinh hoa văn hóa dân tộc. Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tổ chức, quản lý lễ hội như thế nào để phát triển lành mạnh, thật sự là nét đẹp của sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Mùa xuân là mùa lễ hội, khắp nơi trong cả nước nô nức tổ chức lễ hội làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân càng thêm phong phú. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian. Những lễ hội lớn, mang tầm quốc gia, mỗi năm thu hút trên dưới một triệu lượt khách. Đây là dịp thuận lợi để tất cả mọi người được thụ hưởng nét đẹp văn hóa, đồng thời có cơ hội tham gia sáng tạo văn hóa. Thật đáng tiếc khi hiện nay lễ hội phát triển một cách xô bồ và những tiêu cực cứ tồn tại từ năm này sang năm khác không thể giải quyết dứt điểm. Xa dần ý nghĩa tích cực, một bộ phận không nhỏ người đến lễ hội là để "cầu xin" thánh thần, cầu danh, cầu lợi cho cá nhân mình và đốt vàng mã vô tội vạ. Tình trạng này rất khó ngăn chặn, khiến hàng chục nghìn tấn giấy bị đốt bỏ trong mùa lễ hội. Xu hướng "thương mại hóa" lễ hội gia tăng, không ít địa phương có lễ hội cho đây là dịp "làm ăn". Người ta đổ xô dựng hàng quán để kinh doanh, đã xảy ra cảnh tượng phản cảm khi thịt gia súc, thú rừng tươi sống treo lủng lẳng ngay bên cạnh nơi thờ tự. Đủ các thứ dịch vụ trông giữ xe, gánh thuê, chở thuê... ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội. Đáng phê phán nhất là việc lợi dụng tín ngưỡng trong lễ hội để "buôn thần bán thánh" như đặt lễ thuê, khấn vái thuê, bói toán. Việc đặt quá nhiều hòm công đức ở nhiều khu vực di tích cũng là biểu hiện của hiện tượng thương mại hóa di sản văn hóa. Các hòm công đức làm dưới nhiều hình thức khác nhau không phù hợp không gian kiến trúc và thẩm mỹ của di tích, gây phản cảm. Một số địa phương có quan niệm sai lầm khi muốn đấu thầu các dịch vụ văn hóa trong lễ hội để tạo nguồn thu cho ngân sách, càng làm cho lễ hội bị thương mại hóa. Tâm lý nặng về "cầu xin", không còn mang ý nghĩa tâm linh cùng với xu hướng thương mại hóa khiến cho không gian của lễ hội mất đi sự linh thiêng từ đó hạ thấp giá trị văn hóa của lễ hội.

Lễ hội Đền Trần Nam Định.
Lễ hội Đền Trần Nam Định.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng khó khăn, phức tạp và trở nên cấp thiết mỗi khi mùa lễ hội đến. Trước hết, chúng ta cần nhận thức vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng. Gần đây, có một số ý kiến cho rằng, việc quản lý lễ hội nên trao cho cộng đồng cư dân địa phương. Có thể nêu ra câu hỏi: Với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước kết hợp với các địa phương mà lễ hội vẫn tồn tại những hạn chế và tiêu cực nêu trên, nếu trao cho cộng đồng dân cư thì liệu họ có đủ khả năng điều hành hay không? Hay là sẽ để nó phát triển một cách tự phát. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, mô hình có sự quản lý chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với địa phương, giúp người dân hiểu được vai trò là chủ thể văn hóa thật sự trong quản lý lễ hội thì hạn chế được tiêu cực. Cần xác định rõ mục tiêu chính của việc tổ chức lễ hội là bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương. Nếu quan niệm tổ chức lễ hội nặng về việc tổ chức các dịch vụ văn hóa, các trò diễn phục vụ khách du lịch để thu tiền mà bỏ quên nhu cầu của cộng đồng sẽ dẫn đến lễ hội bị thương mại hóa.

Vấn đề quy hoạch lễ hội cần sớm được thực hiện để tránh tình trạng phát triển một cách tự phát. Hiện nay, địa phương nào khi tổ chức lễ hội cũng muốn làm với quy mô lớn nhằm thu hút đông lượng khách tham gia để thu kinh phí. Có nơi còn tự phong là lễ hội "cấp quốc gia", "cấp quốc tế". Cho đến những năm 80-90 của thế kỷ 20, lễ hội Đền Trần nằm trong khuôn khổ địa phương, nhưng vì muốn quảng bá du lịch, lôi cuốn đông khách tham gia cho nên nhiều thông tin về ấn đền Trần đã được thổi phồng làm cho lễ hội này quá tải. Với số lượng gần 8.000 lễ hội, mà lại đua nhau tổ chức rình rang khiến cho lễ hội phát triển lộn xộn, gây tốn kém và nguy hại hơn là không thấy được chân giá trị của lễ hội. Quy hoạch lễ hội không chỉ xác định quy mô của từng lễ hội, thuộc quy mô quốc gia, tỉnh, thành phố, hay quy mô huyện, xã mà còn xác định những giá trị cụ thể của mỗi lễ hội, để từ đó có kế hoạch bảo tồn, phục hồi và tổ chức. Không ít nơi có tiền mà không biết sửa sang, tôn tạo di tích như thế nào cho đúng hoặc tùy tiện làm mới không đúng quy cách làm tổn hại di tích...       

Rõ ràng, công tác tổ chức và quản lý lễ hội phải đi vào những việc cụ thể và phải làm quyết liệt và dứt điểm. Nói phải đi đôi với làm, không thể chỉ đưa ra những quy định chung chung trên giấy tờ. Hy vọng những quy định cụ thể ấy sẽ được thực hiện nghiêm túc trong mùa lễ hội năm nay./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com