“Tiệc lan” - Thú chơi tao nhã đầu xuân

02:02, 11/02/2013

“Mặc nơi này đẹp, mặc chốn kia hay. Tháng Giêng mùng 7 nhớ ngày hội lan” . Đó là những câu thơ “dặn dò” hội viên của ông hội trưởng Lại Văn Thân - người sáng lập ra Hội hoa lan Hải Hậu. Để rồi mỗi năm một lần, đến hẹn lại lên, những người chơi lan trong huyện chọn ngày 7 tháng Giêng tổ chức tiệc lan với nhiều loại lan quý: Hoàng Vũ, Thanh Ngọc, Đại Hoàng, Đại Mạc, Ngọc Bảo… cho người xem thưởng lãm.

Từ thú chơi lan

“Vua chơi lan, quan chơi trà(!)". Câu nói này như là một thành ngữ dân gian nói về một thú chơi “cao sang” mà chỉ bậc vua chúa xưa mới được thưởng ngoạn. Ấy là cái thú chơi địa lan quý, lan thiêng của đế vương. Ngày nay, thú chơi lan không còn là độc quyền của những người thuộc tầng lớp trên mà đã trở thành phổ biến trong các giai tầng xã hội. Năm 1997, bảy người bạn cũng là bảy người rất yêu lan trong huyện Hải Hậu thành lập nên Hội hoa lan Hải Hậu. Thực ra, thú chơi lan của người Hải Hậu đã có từ rất lâu bởi xưa kia ở vùng đất này có các loại địa lan quý như Lan Bạch Ngọc, Lan Tứ Quý và tác giả gắn với tên tuổi của những người chơi lan là các cụ Đử Kim Huệ, Lưu Ngọc Quỷnh, Nguyễn Vũ Kiểm. Dần dà, thú vui đó được bổ sung thêm những người chơi lan có tiếng tiếp theo như cụ Duy, cụ Đính, cụ Quảng, cụ Phiu... Đến nay, thú chơi lan được những người yêu lan trong Hội hoa lan của huyện với 40 thành viên duy trì như một sở thích và cũng là phương thức làm ăn kinh tế. Để chơi được lan, đòi hỏi người chơi kỳ công hơn bất cứ loại hoa nào trên đời. Ông Lại Văn Thân, hội trưởng Hội hoa lan Hải Hậu cho biết: “Để có một chậu lan “đạt chuẩn” đất trồng lan không phải lấy ở đâu cũng được mà phải là loại đất chuyên trồng của giống tám xoan thơm nức mùi gạo tám Hải Hậu.

Ông Lại Văn Thân, hội trưởng Hội Hoa lan Hải Hậu đang chăm sóc những chậu lan trong vườn nhà chuẩn bị cho mùa lan Tết. Ảnh: Hoa Xuân
Ông Lại Văn Thân, hội trưởng Hội Hoa lan Hải Hậu đang chăm sóc những chậu lan trong vườn nhà chuẩn bị cho mùa lan Tết. Ảnh: Hoa Xuân

Theo kinh nghiệm dày dạn của những chuyên gia bậc thầy về lan thì cứ đất nào trồng được lúa tám xoan là đất lý tưởng để trồng lan. Cứ tháng mười ta, khi lúa tám xoan vừa gặt, đất ruộng cày lật phơi khô, người ta lại lấy lớp đất trên cùng chặt nhỏ (chặt chứ không phải giã) vo cạnh cho tròn viên đất rồi đổ vào chậu trồng lan hoặc thay đất cho lan. Hoặc là cùng loại đất ấy, đập nát đất trộn phân chuồng ủ mục, vo lại thành từng viên phơi khô gác lên gác bếp, sau một năm mới được đem ra trồng lan. Khâu chọn giống, ươm giống, chăm sóc mới thật là công phu. Để có một chậu lan đơm hoa phải chăm sóc, nâng niu từ một năm đến vài ba năm. Người nôn nóng, thực dụng sẽ rất xa lạ với nghề ươm lan. Đất sa bồi Hải Hậu cộng với công chăm sóc tỉ mỉ mang lại những thành quả cho chậu lan Hải Hậu. Người sành chơi nhìn thoáng là nhận ra ngay chậu lan nào của người Hải Hậu giữa chợ: rễ giàu, tỏi mẩy, kệ bền, hương thơm dai, khi hoa nở các cánh phân đều và thưa thái, cần hoa đẩy cao, màu sắc phản ánh đúng chủng loại hoa… Cụ Đính, xã Hải Sơn năm nay tròn 92 tuổi chỉ vào vườn lan chỉ còn lại dăm chậu tâm sự: “Tôi chơi lan từ năm 16 tuổi, tính ra cũng có hơn 70 năm. Người chơi lan có một bí quyết để lan tốt tươi hơn là dùng nước rửa mặt buổi sáng để tưới cho lan. Điều này không hẳn đúng mà chủ yếu dùng để nhắc nhở việc loài hoa này yêu thích sự sạch sẽ như thế nào”. Có ngắm nhìn cách chăm sóc lan của những thành viên trong hội hoa lan mới thấy, họ yêu quý, trân trọng hoa lan đến mức nào. Lan là loài hoa không chịu được nóng quá, không chịu được đọng nước cũng không chịu được sương muối hoặc gió lạnh. Mùa bão đến, một vườn lan hàng trăm chậu nhưng nghe báo bão là chủ nhà không quản mưa gió khom lưng bê hết từng chậu vào nhà. Thời đánh Mỹ, để tránh đạn pháo bắn vào, người chơi lan ở đây còn mang theo hoa lan xuống hầm. Mùa đông nước mưa hiếm hoi, một gáo nước mưa nhà nào giữ được, một nửa dùng pha trà, một nửa dành tưới cho lan. Ông Thân hội trưởng cho biết thêm: “Đối với người chơi lan, chúng tôi không bao giờ mang hoa ra chợ bán như đối với một thứ hàng hóa bình thường, ai muốn mua thì phải vào tận nhà. Vì vậy, mới có những người chơi lan trong hội, kinh tế gia đình tuy còn khó khăn, có những chậu lan được trả tới vài triệu đồng cũng không bán. Khi đã thích rồi, chỉ để lại chơi và ngắm như một cái thú dành cho thưởng thức”. Trong Hội lan Hải Hậu, ngoài thành phần là những công chức, viên chức về hưu còn có những thành viên là nông dân, thanh niên. Tuy nhiên, khi vào vườn lan của những nông dân như bà Nhung, bà Vóc, bà Hồng mới trân trọng khiếu thẩm mỹ của các bà. Say cái hương thơm “vương giả chi lan hương” của hoa, cái đẹp, quyến rũ của hoa mà chăm sóc để hưởng được những thành quả kinh tế mà loài hoa này đem lại, phải chăng cũng là cách mà loài hoa vương giả này “trả” lại cho người Hải Hậu khi vườn nhà nào cũng có tài sản từ lan ít nhất vài chục đến vài trăm triệu đồng. Có những người như ông Đỗ Văn Mạch (Hải Sơn) có thể nuôi được 4 người con ăn học, sắm nhà cửa cho con cũng “gột” nên từ hoa lan.

Tiệc lan của người Hải Hậu

Mùng 7 tháng Giêng, khi mưa xuân ấm áp lất phất rơi, những người chơi lan trong, ngoài huyện và cả từ các tỉnh, thành lân cận chọn một căn phòng có thế phong thuỷ nhuần hoà, không gian thoáng đãng, sạch sẽ để đưa đến trưng bày những chậu hoa đẹp nhất, quý nhất trong vườn nhà. Tiệc thưởng lan bắt đầu. Mâm tiệc bao gồm các món ngon nhất. Thanh Vũ, Thanh Ngọc thì mảnh mai, lấp lánh kiêu sa, quý phái; Hoàng Cẩm Tố, Đại Trường Diệp bông vươn cao, phóng túng... Chậu này là Hoàng Điểm, Thanh Vũ, Ngọc Bảo, Kim Bào, Lan Bạch Ngọc, Lan Tứ Quý; chậu kia là Huyền Lan, Đại Mặc, Mặc Biên có mùi hương dịu mát, bịn rịn... Những chậu lan qua Tết đã đến kỳ nở rộ. Nhấp chén trà ướp hương hoa, mọi người ngồi quây quanh từng chậu lan ngắm nghía rất kỹ, thưởng thức từng nét cong của cành hoa cho đến màu xanh của cọng lá. Vừa thưởng hoa vừa bình phẩm, bàn luận về từng chậu hoa, màu sắc, độ đồng đều, sự kết hợp hoàn mỹ của chậu với hoa với lá của các chậu hoa khác nhau. Trong tiệc lan, cao hứng thỉnh thoảng lại nghe có những bài thơ của các hội viên cất lên, ngâm vịnh. Bỏ qua mọi lo toan đời thường, các hội viên đến với nhau trong điểm chung duy nhất, thưởng lan, ngắm lan, yêu lan. Trong tiết xuân ấm, trong linh khí của đất xuân, màu vàng, màu nâu, màu đen, màu đỏ… của hoa lan hòa lẫn màu xanh mướt của lá tạo nên khung cảnh có phần “thiêng liêng”. Nhìn những người ngồi xem lan, thấy cách mà họ trân trọng với loài hoa này mới thấy, những người chơi lan, say lan thực sự đều giữ trong mình một triết lý sống đẹp. Đủ để thấy rằng, những triết lý yêu cái đẹp, hướng về cái đẹp đều thánh thiện, đáng trân trọng./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com