Thơ Bác gọi xuân sang

07:02, 16/02/2013

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đã viết: "Từ ngày đất nước có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới, mỗi lần Xuân đến. Đó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc Thơ Xuân!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội.

Từ xưa, trong truyền thống văn hoá của dân tộc mình, mỗi dịp tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, các cụ ta thường làm thơ khai bút, hoặc viết những bài thơ, những câu đối để mừng Xuân, đón Tết!

Việt Nam là một dân tộc yêu thơ ca. Những đỉnh cao văn hoá của chúng ta cũng là những tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… Nhà thơ Huy Cận đã viết: “Tháng ngày con mẹ lớn khôn. Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha”. Thơ ca là tâm hồn dân tộc, và Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người đã phát huy truyền thống văn hoá ấy, sáng tạo ra một loại thơ Chúc Tết, sáng tạo ra một phong tục mới đầy thi vị, gắn bó cả dân tộc trong giờ phút đón chào năm mới!

Chúc mừng năm mới, có lẽ là phong tục tập quán của nhiều dân tộc. Nhưng chúc mừng năm mới bằng một bài thơ, đó là nét độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong giờ phút giao thừa thiêng liêng, năm cũ đã qua, năm mới đang đến, đất trời giao cảm, muôn vật như ngưng đọng lại trong giây phút, trong lòng mỗi người như cũng đang chờ đón những điều tốt lành, những ước mơ, hy vọng. Ai cũng mong muốn cho gia đình mình, cho đất nước mình, năm mới cố gắng mới, thắng lợi mới, mong muốn cho xuân này hơn hẳn những xuân qua. Thì chính trong cái giờ phút rạo rực, thiêng liêng ấy, nhân dân cả nước ta lại hồi hộp đón chờ và sung sướng lắng nghe lời thơ của Bác chúc Tết đồng bào.

Thơ Chúc Tết của Bác Hồ thường ngắn gọn, súc tích, mang phong vị của thể thơ truyền thống. Bác tổng kết những thắng lợi của năm cũ và nêu lên nhiệm vụ của năm mới, tuy vậy những bài thơ Chúc Tết thường cũng chỉ có từ 4 đến 10 dòng. Bác viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, song vẫn chan chứa những ý thơ và tràn đầy những cảm hứng lớn lao của lịch sử.

Mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Và bài thơ “Mừng Xuân 1942” chính là bài thơ mở đầu cho những bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ. Dấu ấn lịch sử của một thời còn ghi lại trong những vần thơ, hình ảnh cờ đỏ sao vàng và Việt Minh lần đầu xuất hiện trong thơ Bác: “… Chúc đồng bào ta đoàn kết mau. Chúc Việt Minh ta càng tiến tới. Chúc toàn quốc ta trong năm nay. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới”.

Đến nay, Bác còn để lại cho chúng ta tất cả 22 bài thơ Chúc Tết. Bài nào Bác cũng chỉ viết từ 4 đến 10 câu. Nhân đón Xuân Quý Tỵ năm 2013, chúng ta cùng nhau đọc lại hai bài thơ Chúc Tết Năm Tỵ của Bác.        

 Thơ Chúc Tết  Xuân Quý Tỵ 1953

Mừng năm Thìn vừa qua
Mừng Xuân Tỵ đã tới
Mừng phát động nông dân
Mừng hậu phương phấn khởi
Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới
Mừng toàn dân kết đoàn
Mừng kháng chiến thắng lợi
Mừng năm mới nhiệm vụ mới
Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào
Mừng phe dân chủ hoà bình thế giới  

                                               Hồ Chí Minh

Thơ Chúc Tết Xuân Ất Tỵ 1965

Chào mừng Ất Tỵ Xuân năm mới
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới
Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi
Đấu tranh anh dũng cả nước một lòng
Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi
Hoà bình Thống nhất ắt hẳn thành công

                                                            Hồ Chí Minh

Những bài thơ Chúc Tết của Bác là tình cảm của Người gửi đến toàn dân. Đây cũng là những lời dặn dò, những ước mong của Bác trong không khí thiêng liêng của một năm mới đang đến. Và đó cũng chính là phong cách Hồ Chí Minh giản dị mà gần gũi, yêu dân và trọng dân. Người luôn đến với chúng ta trong mỗi căn nhà, trong mỗi trái tim Việt Nam.

Ăng-ghen đã nói: “Lịch sử là một nhà thơ lớn nhất”. Và nếu chúng ta đem xếp thứ tự những bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ lại, thì đó cũng chính là một biên niên sử quan trọng nhất của Cách mạng Việt Nam.

Trong bài “Việt Nam mãi mãi có Người”, một nhà báo nước ngoài đã viết: “Tình yêu của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu xa vô tận, và chúng ta có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam”.
Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào của mình là một mối liên hệ đặc biệt. Đó chính là niềm tin tưởng sắt đá, lòng biết ơn vô hạn, là sự kính trọng… nhưng trên tất cả, Bác Hồ là người Bác, người Ông thân thiết nhất của tất cả chúng ta!.

Nhà thơ Vũ Cao đã viết:

“Cho con ước tự bây giờ
Mỗi năm vào buổi giao thừa mỗi năm
Bác về cùng với nhân dân
Đọc Thơ Tết lấy một lần, hãy đi!”
Giờ phút Giao thừa đã đến!
Mừng năm Thìn vừa qua
Mừng Xuân Tỵ đã tới…

Chúng ta cảm thấy như Bác đang đọc Thơ Chúc mừng Năm Mới của Mùa Xuân này và Người lại đang cùng với nhân dân đi trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng Xuân!

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com