Đến hẹn lại lên, vào đúng ngày ông Công - ông Táo năm nay, chương trình Xuân Quê hương với chủ đề "Đất Tổ rạng ngời” lại được Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (VNVNONN - Bộ Ngoại giao) tổ chức với mục đích thật giản dị: Giúp cho bà con kiều bào có một cái Tết thật đầm ấm, thật ý nghĩa nơi quê hương. Nhưng, năm nào cũng thế và năm nay chắc cũng sẽ không phải là ngoại lệ; bởi, hơn cả sự mong đợi của những người tổ chức, mỗi chương trình Xuân Quê hương lại là một dịp con Rồng - cháu Tiên về hội tụ năm sau cao hơn năm trước. Với họ, Xuân Quê hương không đơn thuần chỉ là đón Tết ở quê nhà mà xa hơn đó là dịp để những người con Việt đã đi bốn phương trời thoả nỗi nhớ cố hương và góp phần xích lại gần nhau hơn từ những tâm hồn Việt xa xứ.
Giao lưu nghệ thuật "Xuân quê hương 2013 - Đất Tổ rạng ngời". Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Xuân Quê hương đã được Uỷ ban VNVNONN tổ chức từ hơn chục năm nay. Ban đầu, đó chỉ là những gala dinner cho bà con kiều bào nhân dịp Tết đến, Xuân về; nhưng rồi thành công ngoài mong đợi cộng với những đề nghị từ chính bà con, Uỷ ban VNVNONN đã tiến tới tổ chức chương trình Xuân Quê hương lớn về quy mô, đặc sắc về văn hoá như hiện nay. Kể từ Xuân Quê hương 2008 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến nay chương trình đã thật sự trở thành "món ăn” tinh thần không thể thiếu của kiều bào. Năm nay cũng vậy, Xuân Quê hương sẽ lại được tổ chức ngay giữa lòng Thủ đô, bên Hồ Gươm thơ mộng; ở nơi đặt tượng đài Vua Lý Thái Tổ - vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam; đồng thời cũng là người đã tỏ rõ bản lĩnh và tầm nhìn khi dời đô từ Hoa Lư về định đô tại thành Đại La (Hà Nội ngày nay) mở ra một thiên lịch sử mới cho Hà Nội nói riêng và nước Việt Nam nói chung. Chủ đề của chương trình Xuân Quê hương chính là sự tiếp nối của truyền thống, của tinh hoa văn hoá Việt Nam; cũng là cách để bà con kiều bào có điều kiện cùng nhau chia vui khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - một thứ tín ngưỡng đồng thời là một nét văn hoá Việt đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá đồ sộ mà ông cha trao truyền cho thế hệ chúng ta. Cũng vì những lý do ấy mà vượt ra ngoài tính chất là một hoạt động thường niên dành cho kiều bào, năm nào cũng thế bà con lại mong chờ đến dịp này để gặp gỡ, trao đổi và xa hơn là để bắc những nhịp cầu làm ăn giữa người Việt khắp năm châu, bốn bể. Theo thống kê mới nhất từ Uỷ ban VNVNONN, hiện có gần 4.000 dự án của kiều bào đầu tư về quê hương với số xấp xỉ 9 tỷ USD. Riêng về kiều hối năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 10-15%/năm. Năm nay, lượng kiều hối ở vào khoảng trên 11 tỷ USD một số tiền không nhỏ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các địa phương cũng như trên cả nước.
Bôn ba nơi đất khách - người ít thì dăm năm, người nhiều hơn thì gần cả cuộc đời - họ lại càng mong mỏi được đón Tết ở quê nhà; được sống trong cái không khí ấm tình người mà phải đi xa, phải trải qua gian khó mới cảm nhận được. Chỉ khoảng vài trăm hoặc nhiều lắm là khoảng ngàn kiều bào trong tổng số vài chục hoặc trăm ngàn kiều bào về quê ăn Tết có điều kiện dự Xuân Quê hương. Khoảng cách địa lý là một lý do; cũng có khi do sự hạn hẹp về khả năng của đơn vị tổ chức nhưng vượt ra ngoài những hạn chế ấy, một ngàn con tim Việt có lẽ sẽ đủ sức truyền đi những xúc cảm dạt dào, chảy trôi trong huyết quản của hơn 4,5 triệu kiều bào mà phần đông không có điều kiện về đón Tết ở quê nhà. Ấy chính là cái được lớn nhất của Xuân Quê hương khi làm cho mọi người Việt cảm thấy gần gụi nhau hơn, yêu thương và chia sẻ với nhau hơn. Kiều bào ta hiện đang sinh sống ở khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có gần 400 ngàn trí thức kiều bào, rất nhiều người đã thành danh trong khoa học hay trên thương trường. Đặc biệt, nhiều người trong số này vẫn luôn mong muốn được góp sức dựng xây đất nước - đó là tình cảm đáng trân trọng biết bao. Kể lại chuyến đi thăm Trường Sa của đoàn công tác số 6 - chuyến đi mà nhiều bà con kiều bào từ Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… được trực tiếp ra thăm và tiếp cận với cuộc sống của lính đảo cũng như những dân thường trên đảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Ngay sau chuyến đi này, đã có thêm một số công trình mới được dựng lên ở Trường Sa do chính kiều bào quyên góp như: Nhà bia tưởng niệm ghi nhận công lao của các anh hùng liệt sĩ, của các thế hệ người Việt trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương; hay như bảo tháp ở Trường Sa… Với tư cách là một người xa Tổ quốc nay trở về làm ăn ở Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) từng chia sẻ: Hơn lúc nào hết, thời điểm này, chúng ta cần đến ba chữ đồng (đồng lòng, đồng sức, đồng tâm) và nhìn lại chính mình xem đã thực sự làm được gì cho Tổ quốc, cho quê hương. "Cùng chung tay vì đất nước và cùng với quyết tâm chúng ta sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn hiện nay về kinh tế cũng như những thách thức trong bảo vệ biên cương hải đảo” - ông Bắc tâm sự. Số lượng kiều bào có tâm thức hướng về quê hương như ông Hoài Bắc nay ngày càng nhiều; đặc biệt, nhiều người trong số họ đã thoát khỏi những định kiến, những khác biệt để hoà hợp và hoà đồng với quê hương, Tổ quốc. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào mà Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là bước cụ thể hoá rõ nét nhất. Đó là nhờ công tác thông tin tuyên truyền tới cộng đồng Việt xa quê đã ngày càng được chú trọng và tạo thêm những đột phá mà Xuân Quê hương chỉ là một trong số nhiều hoạt động dành riêng cho kiều bào.
Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa Xuân làm ấm lòng những người con phương xa về đón Tết trên quê hương Việt Nam. Và, mục đích chỉ có một: Để mỗi người ra đi đều muốn trở về; để mỗi người trở về đều có một cái Tết ý nghĩa nơi "chôn nhau cắt rốn”./.
Theo: daidoanket.vn