Phong tục đón Tết - Nét đẹp văn hoá

04:02, 08/02/2013

Ông bà ta xưa đã nói “Nhất niên chi kế khởi ư xuân/ Nhất nhật chi kế khởi ư Dần”, nghĩa là kế hoạch một năm bắt đầu từ mùa xuân, kế hoạch một ngày bắt đầu từ giờ Dần (thời điểm tờ mờ sáng). Quan niệm đó cũng đã được đúc kết bằng câu ca dao: “Một năm được mấy tháng xuân/ Một ngày được mấy giờ Dần hỡi ai?”.

Khi Tết đến, Xuân về, ai nấy đều chú tâm thể hiện tình thân ái, hồ hởi, mặn nồng trong các mối quan hệ. Mọi người đều tin rằng sự vui tươi, thân thiện ấy có khả năng tạo nên những điều tốt đẹp trong năm mới và ngay từ đầu năm mới. Điều đó đã trở thành thuần phong mỹ tục của người Việt ta từ đời này qua đời khác. Những ngày chuẩn bị đón năm mới, gia đình nào cũng lo quét dọn sạch sẽ từ trong nhà cho đến ngoài ngõ. Nhà có kinh tế dư dả thì quét lại vôi mới, nhà mà điều kiện tài chính chưa cho phép cũng lo lau chùi mạng nhện, bụi bẩn. Nơi thờ cúng tổ tiên được chú trọng hơn cả. Trên bàn thờ, những gì đã cũ được thay mới. Các bộ lư, nồi hương, chân đèn được cọ rửa tỉ mỉ, hoặc đem ra tiệm đánh bóng. Ngay trong góc bếp cũng được quét dọn tinh tươm sắp xếp gọn gàng, vì đó là chỗ “Táo quân” ngự trị.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trên đất nước con Rồng cháu Tiên, từ ngàn xưa đã hình thành phong tục quét dọn, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp để chào đón năm mới. Người người cùng muốn tạo ra một tư thế văn minh, lịch lãm, một cảnh trí khang trang, tươm tất để hoà nhịp với sự đổi mới của đất trời, cây cỏ. Ai có nợ nần tiền bạc hoặc còn mượn cái gì của người khác thì lo trả. Những người có xích mích giận hờn với nhau cũng cố gắng làm lành, tươi cười chào hỏi nhau với tấm tình bao dung, cởi mở. Và, ai cũng dành thời gian tắm gội như là một sự “rửa sạch bụi trần” để đón tân xuân.

Đặc biệt, ai cũng chú ý về sự ăn mặc của mình và các thành viên trong gia đình. Từ cuối tháng mười âm lịch trở đi, trong nhà ngoài phố nhộn nhịp cảnh may sắm đồ Tết, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Các cô cậu háo hức với bộ quần áo mới như đó là điều quan trọng nhất của mình để chào đón Tết. Chính vì thế, ông bà ta đã nói: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới".

Sáng mồng một Tết, ai cũng chú ý thực hiện đúng những điều kiêng cữ như không nói năng thô thiển; không nhăn nhó, la mắng, cãi cọ; không gây ra tiếng động, ồn ào; không làm rơi vỡ đồ đạc, ly tách, chén bát, kể cả không quét nhà (vì sợ thần tài bỏ đi), không múc nước giếng (vì sợ động thuỷ thần)…
Trong những ngày Tết, ai cũng tươi vui, hoan hỉ và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. “Mặt người hân hoan, miệng người nhân hậu/ Chúc nhau toàn chuyện tốt lành”.

Phong tục đón Tết là một đặc trưng của nét đẹp văn hoá con người Việt Nam được hình thành, tiếp nối và bồi đắp qua bao thế hệ. Đó là những tinh hoa của tình người, tình làng xóm, tình dân tộc đã có từ xa xưa, cần được giữ gìn, phát huy trong thời buổi hội nhập hôm nay./.

Đinh Ngọc Tứ
 



Mẫu hộp quà tặng doanh nghiệp 2025 mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com