Trong tín ngưỡng phương Đông, các con vật trong tứ linh là rồng (long), lân (ly), rùa (quy), phượng tượng trưng cho điềm may mắn, thành đạt, hanh thông. Trong những ngày đầu xuân mới, ở một số vùng quê trong tỉnh vẫn vang lên tiếng trống thùng thình, tiếng chập chả của những Hội múa tứ linh biểu diễn. Âm thanh ấy dội vào lòng mỗi người dân cảm giác thiêng liêng của lễ hội với bao ước vọng tốt lành.
Múa lân - sư - rồng trong lễ hội truyền thống thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực). |
Đã thành nếp, sáng sớm mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm, Hội múa rồng thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực) lại tổ chức múa rồng, lân, rùa, phượng chào đón năm mới, đồng thời rước mừng thọ các cụ cao tuổi trong thôn. Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng, thanh la, não bạt vang lên rộn rã, kéo người dân trong các gia đình đổ ra đường hân hoan chào đón đoàn múa linh vật đi khắp thôn. Hơn 40 thành viên Hội múa rồng của thôn thường ngày lam lũ với công việc ruộng đồng hoặc bôn ba làm ăn tứ xứ, nay “lột xác” thành những trai đinh rạng rỡ, khỏe khoắn trong trang phục màu vàng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ khéo léo điều khiển từng linh vật với những điệu múa mê hoặc lòng người. Những linh vật mặc dù được chế tạo còn đơn sơ nhưng dưới sự điều khiển của các nghệ sỹ thôn quê trở nên sống động trong từng điệu múa. Con rồng với thân mình làm bằng vải màu vàng, vây đỏ, dài hơn 35m gồm 11 khúc uốn lượn lên xuống, vòng qua lộn lại uyển chuyển, đẹp mắt đi theo quả trùy của người trưởng đoàn. Con lân lắc lư cái đầu, đôi mắt lớn chớp chớp, uốn thân vờn quả cầu lửa; con rùa chầm chậm, thong thả với chiếc cổ thụt ra, thụt vào; con phượng khoe tấm thân lông vũ nhiều màu sắc theo từng điệu nhạc cụ. Sau khi đi vòng quanh thôn chào đón năm mới, đoàn linh vật đến từng nhà người cao tuổi được mừng thọ rước các cụ lên chùa làng thắp hương khấn Phật và Đức Thánh Trần, sau đó đến đền thờ Thành hoàng làng. Năm nào cũng vậy, không khí đầu xuân năm mới với sự tham gia của Hội múa rồng thôn khiến không khí nơi đây càng rộn ràng, náo nức...
Hình ảnh đoàn múa tứ linh với màu sắc sặc sỡ đi quanh làng trong tiếng trống, chiêng rộn ràng chào đón xuân mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của nhiều vùng quê văn hóa trong tỉnh. Tuỳ theo không gian rộng - hẹp và tính chất của sự kiện, múa tứ linh sẽ có những bài bản khác nhau, có thể biểu diễn riêng rẽ, đôi khi cũng có sự phối hợp tạo thành tiết mục hấp dẫn người xem.
Nhiều năm nay, người dân các xã Hải Đông, Hải Hưng, Hải Anh (Hải Hậu) chào đón mùa xuân mới bằng các màn múa sư tử rất náo nhiệt. Ở huyện Xuân Trường, thanh niên các xã Xuân Hồng, Xuân Phong… nô nức múa rồng chào năm mới gắn với các lễ hội đầu xuân. Huyện Ý Yên trong dịp này cũng rộn rã âm thanh và màu sắc của các Hội múa rồng xã Yên Hồng, Yên Tiến, Yên Ninh… Sôi động nhất tại huyện Vụ Bản với nhiều đội tứ linh ở các xã: Thành Lợi, Đại Thắng, Quang Trung, Hợp Hưng, Đại An…; trong đó xã Đại Thắng có nhiều đội kỳ lân nhất huyện với 12/17 xóm thành lập. Ngoài biểu diễn đón chào xuân mới, các Hội múa tứ linh trong tỉnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương trong năm. Tại thôn Trai, xã Nam Cường, múa tứ linh đã phát triển thành mỹ tục không thể thiếu trong dịp địa phương tổ chức các hoạt động tưởng nhớ ngày kỵ của Thành hoàng làng vào 20-12 âm lịch, vào ngày Giỗ Đức Thánh Trần 20-8 âm lịch hằng năm, khởi công, khánh thành các nhà thờ dòng họ, trong dịp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 hằng năm... Múa tứ linh ở xã Đại Thắng thường xuyên góp mặt trong lễ khánh thành nhà thờ các dòng họ, trong hội các làng: Thi Liệu, Thiện An, Thượng Linh, Đông Linh của xã và nhiều lần tham dự lễ hội Phủ Dầy của huyện… Đặc biệt, trong dịp Tết Trung thu, các đội múa tứ linh ở từng xóm dẫn từng đoàn đại biểu, thanh niên, học sinh đến Nghĩa trang liệt sỹ của xã dâng hương tưởng nhớ công lao các liệt sỹ của quê hương...
Sự phát triển của các hoạt động múa tứ linh ngày nay là thành quả công tác xã hội hóa, huy động nhân dân tự khôi phục, phát triển các hoạt động văn hoá - thể thao truyền thống của các địa phương trong tỉnh. Lúc đầu thành lập, các hội múa tứ linh đều gặp khó khăn đủ bề như: con rồng phải đặt nghệ nhân chế tạo, còn các con lân, quy, phượng đều do các hội viên tự chế tác bằng các vật liệu đơn giản. Cùng với làm linh vật, các hội múa phải sắm sửa thêm phục trang, đạo cụ, trống, chiêng, chập chọe… với chi phí hàng mấy chục triệu đồng. Tất cả đều được các hội viên tự nguyện đóng góp; người góp nhiều, người góp ít miễn sao thỏa mãn niềm yêu thích. Một khó khăn nữa là học các điệu múa mang sắc thái riêng của từng linh vật bởi những người biết về múa tứ linh ở địa phương nay đã mất hoặc đều đã tuổi cao sức yếu. Vì vậy, nhiều hội múa phải phân công hội viên học “lỏm” từ các hội khác trong những lần tham dự lễ hội trong và ngoài tỉnh. Kỳ công như Hội lân - sư - rồng phường Lộc Vượng (TP Nam Định) phải mời các nghệ nhân đến từ Quảng Ninh làm rồng thời Trần và chỉ dạy các bài biểu diễn phù hợp rồng thời Trần trong lễ hội Trần Hưng Đạo… Thật kỳ diệu khi dưới đôi bàn tay tài hoa, trí óc thông minh, những linh vật khô cứng, vô tri đã xuất hiện trong các sự kiện của địa phương với sự sống động, dân dã nhưng vẫn thể hiện thần uy… Điều động viên lớn nhất đối với các đội múa tứ linh là đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong các dịp kỷ niệm lớn, các địa phương đều xây dựng các tiết mục múa tứ linh để không khí thêm sôi nổi phấn khởi. Còn trong dịp lễ hội, nhiều người dân ủng hộ hoa quả, nước uống… trong lúc giải lao nhưng đó là động lực giúp hội viên tiếp tục tham gia hoạt động.
Múa tứ linh không chỉ là môn nghệ thuật biểu diễn mà ngày nay còn được công nhận là môn thể thao thi đấu chính thức trong các kỳ Đại hội thể thao châu Á trong nhà. Với những giá trị truyền thống và hiện đại, hy vọng trong thời gian tới, múa tứ linh tiếp tục được nhiều địa phương trong tỉnh khôi phục, phát triển để mỗi mùa xuân về, giữa cảnh sắc quê hương thanh bình, âm vang tiếng trống, chiêng cùng hình ảnh những con lân - sư - rồng - phượng múa lượn trên đường quê càng làm cho cuộc sống của nhân dân thêm sắc màu, tươi vui, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Đức Thiện