Mùa lễ hội

05:02, 22/02/2013

Sau những ngày nghỉ Tết, nhiều nơi trong cả nước lại bước vào lễ hội. Mùa lễ hội rộ lên từ tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng ba âm lịch. Lễ hội là một bộ phận của văn hoá dân tộc, thể hiện sự tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, những người có công với nước, với các đấng thần linh, đồng thời tạo nên sự kết nối cộng đồng. Thế nhưng việc tổ chức lễ hội tràn lan và những phát sinh tiêu cực qua các lễ hội gần đây gây nhiều bức xúc và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của Cục Văn hoá thông tin cơ sở (Bộ VH, TT và DL), cả nước có tới 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội mới du nhập ở nước ngoài. Tính bình quân mỗi ngày có hơn 20 lễ hội đã đăng ký. Đó là chưa kể các “lễ hội” nội bộ của các ngành, địa phương, dòng họ. Việc tổ chức tràn lan lễ hội khiến các nhà nghiên cứu văn hoá lo lắng về sự “bội thực” khiến văn hoá lễ hội bị biến dạng, kéo theo nhiều hệ luỵ.

Nhiều tệ nạn xuất hiện tại các lễ hội, do đó các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác bảo đảm TTATXH. (Ảnh minh họa)
Nhiều tệ nạn xuất hiện tại các lễ hội, do đó các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác bảo đảm TTATXH. (Ảnh minh họa)

Do trình độ dân trí và những yếu tố tâm linh từ xa xưa để lại, nhiều lễ hội ẩn chứa các hoạt động mê tín dị đoan. Tình trạng thương mại hoá và các dịch vụ ăn theo phát sinh làm cho lễ hội trở nên xô bồ, lộn xộn gây phản cảm với khách du lịch trong và ngoài nước. Mỗi lễ hội thường thu hút một lượng đông đảo người tham gia, có lễ hội kéo dài như lễ hội chùa Hương có hơn một triệu lượt người tham dự, ngoài việc chi phí tốn kém cho khâu tổ chức còn lãng phí một khối lượng lớn sức lao động. Việc đốt vàng mã tràn lan, số lượng lớn rất lãng phí và nguy cơ gây cháy nổ…

Ngành Văn hoá đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chung quanh vấn đề lễ hội. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đều có nhận thức chung: Cần phải tổ chức và quản lý tốt các lễ hội. Nhưng để thực hiện không chỉ là việc của riêng ngành Văn hoá mà cần sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mỗi người dân. Bằng việc làm cụ thể và thiết thực, mong muốn mùa lễ hội này sẽ có nhiều chuyển biến, vui tươi, trật tự, văn hoá và tiết kiệm./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com