Giây phút thiêng liêng

08:02, 06/02/2013

Giao thừa là lúc năm cũ qua năm mới đến. Giao thừa cũng là giây phút chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc tháng Chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc tháng Giêng năm mới. Ý nghĩa “Tống cựu nghinh tân” được mọi người thực hiện triệt để vào giờ phút này, giờ phút thiêng liêng mà mỗi năm chỉ diễn ra có một lần, làm số đếm cho tuổi thọ của từng sinh mệnh.

Để đón giao thừa, người ta tổng vệ sinh xóm làng cho quang quẻ sạch sẽ. Cống rãnh được khơi thông. Rác được quét vun lại mà đốt, tường nhà sáng vôi mới. Đồ đạc được lau chùi. Rào giậu buộc lại kỹ càng. Câu đối mới, nội dung mới, giấy đỏ tưng bừng, mực đen lay láy, nét chữ như “phượng múa rồng bay”. Chỗ bếp nấu, 9 ông đầu rau cũ được thả xuống ao tắm mát, thay vào là 9 ông đầu rau mới nặn bằng đất sét khô trắng, không sứt sẹo. Bình vôi dùng đã lâu, miệng quệt đã cao được từ giã chủ nhà, tập hợp ở nơi tâm linh, đánh đu vào những rễ đa chỗ um tùm vắng vẻ, thay vào đó là những bình vôi mới được mua về, vôi nở như pháo hoa trắng xoá. Mọi người chuẩn bị y phục mới mặc ngày xuân, trăm hồng ngàn tía. Giường chiếu được sửa sang, chăn đệm thơm mùi nắng. Trong nhà có nhiều tranh vui mắt. Bàn thờ rực rỡ nào lọ hoa, nào cành đào, đỉnh đồng, cây nến, lư hương được đánh bóng lộn.

Người ta thường nghỉ việc đồng áng từ chiều 29 Tết, có người nghỉ từ hai, ba ngày trước. Tất cả đều sẵn sàng tư thế để đón giao thừa. Gói bánh chưng, luộc bánh tét chỉ là thao tác chờ đợi giao thừa cho đỡ sốt ruột, lại tạo được không khí ấm cúng, cả nhà quây quần quanh bếp lửa.

Suốt năm vất vả được dịp này, cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, cháu chắt ngồi bên nhau, thể hiện hạnh phúc đại đoàn viên. Ngũ đại, Tứ đại hoặc Tam đại đồng đường. Mọi người ăn bữa cơm tất niên, uống rượu hồng, kể chuyện vui, thường là chuyện phong tục, chuyện kẻ trộm lẻn vào nhà đêm 30 Tết bị chẹn cứng cái bừa vào cổ…

Mọi người kính cẩn chuẩn bị lễ tiễn đưa năm cũ ân cần, đón nhận năm mới với nhiều hy vọng. Họ phấn chấn thức đêm suốt sáng, chẳng ai chịu đi ngủ, kể cả các em bé. Thanh niên, thiếu nữ nô nức đi dâng hương, đi hái lộc, chờ đến phút giao thừa mới trở về nhà. Nhiều làng mở hội chèo từ đêm 30 tháng Chạp, còn gọi là tháng Lạp, hoặc Lạp nguyệt, theo Phật pháp cứ hết một năm kể là một tuổi, chứ không tính tuổi đời, ai cũng muốn mình có thêm một tuổi. Lúc này, trời mở cửa kho, đúng giờ Tý thì đem vàng bạc rắc xuống trần gian, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà. Mọi người ra sân để nhặt vàng bạc rồi đem cất trong rương. Sáng mùng một Tết mới được mở cổng, mở cửa. Ai không tuân thủ thì vàng bạc nhặt được sẽ biến thành đá. Bởi thế cứ tối 30 tháng Chạp là cả nhà đoàn tụ, chăm hương, thắp nến, chờ đến giao thừa để nhặt vàng bạc. Trời thì tối đen, lại lạnh giá, ông bà cha mẹ phải lấy vàng bạc trong túi mình ban phát cho trẻ nhỏ. Lâu dần hình thành tục lệ đón giao thừa, có phong bao, có lì xì, gọi là mừng tuổi. Ở phương Đông không có ông già Noel, nhưng việc tặng tiền thay tặng quà đêm 30 cũng mang phong vị yêu thương đầy nhân tính, đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến mọi nhà./.

N.Đ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com