Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành "một cư dân trong ngôi làng toàn cầu". Từ đó, hội nhập văn hóa như lẽ tất yếu với sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp thu, chia sẻ với thế giới vốn văn hóa được xây dựng từ hàng ngàn đời của mình.
Từ nhiều năm nay, những tinh hoa của văn hóa Việt Nam, trước hết là văn hóa truyền thống, đã có sức mê hoặc khá lớn đối với nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới. Một cảnh rối nước, một khúc chầu văn, một câu ví dặm, một làn quan họ; rồi một món ăn, một lối ứng xử; hay một nét thư pháp, một nước men trên bình gốm cổ... Tất cả, dù là văn hóa vật thể hay phi vật thể, mỗi dáng vẻ đậm đà sắc thái văn hóa Việt được kết truyền tự ngàn đời ấy là một sức vóc riêng biệt có giá trị lan tỏa khi âm thầm, khi mãnh liệt nhưng tựu trung ở nét giản dị mà quyến rũ, khiến bất cứ ai dù mới chỉ được tiếp cận một lần, cũng đủ lưu lại chút dư vị khó quên - cái dư vị không lẫn vào đâu được.
Có thể nói, ở đâu có người Việt Nam, ở đó văn hóa Việt Nam được nuôi dưỡng, khẳng định và lan tỏa. Nhất là ngày nay, với gần năm triệu người Việt Nam cư ngụ trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới, phạm vi ảnh hưởng của văn hóa Việt không chỉ mở rộng hơn mà quan trọng là đã và đang thấm sâu hơn. Và hơn thế nữa, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã ngày một tôn bồi, làm phong phú hơn các giá trị bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời coi đây là một trong những căn nguyên, động lực để đoàn kết cộng đồng.
Hát ca trù - môn nghệ thuật có sức hấp dẫn lan tỏa không chỉ trong nước mà với cả bạn bè quốc tế. Ảnh: Internet. |
Giờ đây, sức lan tỏa ấy đã, đang và sẽ nhân lên gấp bội cùng với tầm vóc và uy tín của một đất nước đang đứng trước nhiều triển vọng phát triển. Hàng nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mỗi ngày, và mỗi ngày ấy họ được đón nhận, chia sẻ, cảm thụ nhiều hơn, sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc Việt, để rồi chính họ là những chiếc cầu nối, một mặt đưa văn hóa nhân loại đến Việt Nam, và cùng đó, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Điều này lý giải vì sao càng những năm gần đây, mô hình du lịch văn hóa càng trở nên sôi động với sức hấp dẫn lớn đối với du khách nước ngoài đến thế. Hiển nhiên điều đó đã chứng tỏ sức thu hút của văn hóa Việt Nam đối với thế giới!
Song, như các chuyên gia thường nói và hơn một lần chúng ta tự cảnh báo và nhắc nhở nhau rằng, nền văn hóa của mỗi dân tộc có sức lan tỏa nhưng cũng có thể bị lung lay trước những cơn sóng văn hóa dồn dập từ bên ngoài. Sự giao thoa và hội nhập giữa các nền văn hóa là tất yếu không chỉ trong xã hội hiện đại, mà ở bất cứ xã hội nào. Vấn đề là chúng ta ứng xử ra sao với sự xâm nhập một cách tự nhiên của văn hóa ngoại lai để bảo toàn bản sắc và cốt cách dân tộc! Ở khía cạnh này, không cách nào khác là chúng ta phải tạo được thế chủ động. Và một trong những cách chủ động tốt nhất là giúp cho thế hệ trẻ (bao gồm cả những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn) có đầy đủ "kháng thể" để biết cách loại bỏ những cái gì không phải là bản sắc văn hóa, tâm hồn, tính cách Việt Nam. Là lớp người dễ tiếp thu và tiếp thu nhanh văn hóa, kể cả văn hóa ngược chiều, thế hệ trẻ ngày nay rất cần được quan tâm, định hướng thẩm mỹ một cách kịp thời và đúng đắn. Rằng, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc chân chính mà chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, nuôi dưỡng và tôn bồi, phát huy và nhân rộng phải là những giá trị bản sắc được nhìn nhận, xác định và chọn lọc theo quan điểm chính thống của văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trong quá trình giao lưu, hội nhập và phát triển tự nhiên và liên tục ấy, sự bùng nổ công nghệ thông tin giúp cho thế giới xích lại gần nhau một cách nhanh chóng hơn, đó là một cơ hội lớn để văn hóa Việt Nam có thể tiếp cận, lan tỏa với văn hóa thế giới. Nhưng nếu chỉ an tâm với sức hấp dẫn của giá trị bản sắc văn hóa cần lan tỏa thì hình như chưa đủ. Nghĩa là chúng ta phải sớm vượt qua những cản trở trong quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống. Hiện chúng ta chưa có các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài - điều mà các nước luôn đặt lên hàng đầu khi muốn quảng bá văn hóa đất nước mình ra thế giới. Bằng chứng là Pháp và Hàn Quốc là hai đất nước làm rất tốt mô hình này ở Việt Nam. Vậy hà cớ gì chúng ta không tham khảo để từ đó xác lập cho mình một mô hình phù hợp. Dĩ nhiên, muốn làm được điều đó thì ngay trên đất nước mình, chúng ta phải tạo cho được những thành quả lớn hơn nữa, làm giàu có hơn nữa bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và khi ấy, giá trị và sức lan tỏa văn hóa Việt sẽ ngày càng đích thực, mạnh mẽ và hiệu quả hơn./.
LÊ MẠNH TUẤN