Di sản Việt Nam - Nhìn lại để bước tiếp

06:01, 25/01/2013

Tính từ năm 1994 đến nay, chúng ta đã có 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 7 di sản văn hóa phi vật thể và 3 di sản tư liệu được UNESCO công nhận. UNESCO vinh danh và giúp đỡ Việt Nam trong bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời cũng là một sự nhắc nhở chúng ta cần phải quý trọng, bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa kho tàng di sản văn hóa đang có, chứ không riêng gì những di sản đã được vinh danh ở tầm quốc tế hay khu vực.

Thành Nội, Huế. Ảnh: Internet.
Thành Nội, Huế. Ảnh: Internet.

1- Trong số 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh (1994) và gần đây nhất là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (12-2012). Cuộc chơi nào cũng đều có những nguyên tắc nhất định. Tham gia vào sân chơi quốc tế, bên cạnh niềm tự hào được vinh danh, việc thực hiện những cam kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản là yêu cầu bắt buộc. Mục tiêu chung của những cam kết mà UNESCO đề ra nhằm mong muốn các quốc gia gìn giữ những tài sản văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa của mỗi quốc gia và của nhân loại. Để đảm bảo và tuân thủ mục tiêu thì mỗi quốc gia phải cam kết thực hiện ở 2 nội dung cơ bản đó là: cam kết xây dựng hệ thống chính sách tổng thể quốc gia và cam kết cụ thể cho mỗi di sản văn hóa được vinh danh.

Trong suốt 18 năm qua, tập trung nhiều ở giai đoạn những năm 2000, hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ở nước ta liên tục được đẩy mạnh.

Theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm sắp tới, Việt Nam cũng sẽ đệ trình UNESCO một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Với di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta đã gửi Hồ sơ Nghệ thuật Đờn ca Tài tử chờ xét vào đợt tới. Bên cạnh đó, còn có hơn 10 di sản văn hóa phi vật thể đang triển khai xây dựng hồ sơ (tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then - đàn Tính…). Với di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, Hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đang chờ xem xét và một số di sản văn hóa khác đang chuẩn bị xây dựng hồ sơ. Hy vọng, năm 2013 sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho di sản Việt Nam.

2- Dẫu vậy, bên cạnh những thành công đã đạt được, vẫn còn đó những băn khoăn trong công tác bảo tồn di sản. Đó là bệnh hình thức hóa trong việc thực hiện các cam kết với UNESCO. Nhiều di sản được vinh danh nhưng chưa sống cùng cộng đồng, chưa chảy cùng dòng chảy của cuộc sống… khiến nó bị đông cứng lại.

Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng là chủ thể của những di sản văn hóa đó, lẽ ra họ phải làm chủ thực sự và có những quyền lợi, nghĩa vụ thực hành, lưu giữ, truyền dạy những di sản văn hóa đó cho thế hệ mai sau… Nhưng trên thực tế, họ đang đứng ngoài cuộc. Đây cũng là trăn trở lớn nhất của cả người dân và những nhà nghiên cứu văn hóa.

Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật hát Xoan, ca Trù, hát Quan họ… hiện chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân - những người thực hành di sản vẫn chưa có, nên chưa khuyến khích được nghệ nhân tâm huyết với việc giữ gìn di sản. Trong khi bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ con người, bảo vệ những di sản văn hóa nằm trong mỗi con người đang nắm giữ. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải sớm xây dựng chính sách sao cho những người đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể do cha ông truyền lại có thể tiếp tục thực hành, sáng tạo và trao truyền lại cho thế hệ mai sau.

3- Mới đây, Cục Di sản văn hóa vừa xuất bản cuốn sách Tự giới thiệu văn hóa. Cuốn sách này không chỉ giúp người nước ngoài, mà còn giúp cho người Việt Nam hiểu rõ hơn về những truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân sinh sống ở Tiểu vùng sông Mêkông thuộc Việt Nam. Những di sản ấy là gì, nhìn rộng ra đó là những truyền thống sinh hoạt, những giá trị văn hóa của con người được truyền tiếp từ đời này sang đời khác. Di sản chẳng phải cái gì xa lạ, nó hiện hữu ngay trong mỗi bữa cơm, trong lời ăn tiếng nói…

Cuốn sách khiến người ta liên tưởng tới Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian - một hoạt động văn hoá được tổ chức thường niên từ năm 1967 tại Hoa Kỳ. Đây là loại hình lễ hội đặc biệt, nơi các chủ thể văn hóa tự trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa dân gian đặc sắc của mình để hàng triệu du khách trên thế giới có thể tới để học hỏi, chia sẻ và cùng nhau ngưỡng mộ, tôn vinh văn hóa của các quốc gia và các dân tộc. Năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại Lễ hội Smithsonian. Đây là dịp giới thiệu các truyền thống văn hoá, là cơ hội giao lưu văn hoá và tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông với công chúng Hoa Kỳ, giữa các dân tộc trong các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông với nhau và giữa nhân dân Việt Nam với công chúng Mỹ, đặc biệt là với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ.

Lễ hội Smithsonian cũng như cái cách họ tôn vinh di sản, kỹ năng, tri thức sống hằng năm, đáng để chúng ta suy ngẫm./.

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com