Ở Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đến nay phần lớn các đám cưới đều được tổ chức tiếp đãi khách bằng tiệc trà. Tại khu phố số 2, lễ cưới của đoàn viên, thanh niên được tổ chức tại nhà văn hóa khu phố, tiếp khách bằng tiệc trà, bánh kẹo và được nghe các “cây” văn nghệ khu phố hát mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Các khâu từ dựng rạp, thuê phông bạt, hệ thống loa đài đến dẫn chương trình… đều do BTC gồm cán bộ Ban văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thị trấn đảm nhiệm. Việc đón dâu bảo đảm ATGT, không ảnh hưởng đến giao thông công cộng; thời gian tổ chức lễ cưới không quá 45 phút. Tại lễ cưới, có đại diện lãnh đạo UBND thị trấn đến dự, trao giấy đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ (nếu có yêu cầu); đại diện BCĐ xây dựng đời sống văn hóa và Đoàn Thanh niên thị trấn trao quà tặng cô dâu, chú rể. Còn tại Thị trấn Cồn (Hải Hậu) nhiều năm nay việc tổ chức đám cưới của đoàn viên, thanh niên được tổ chức theo hướng tiết kiệm. Việc ăn hỏi và tổ chức lễ cưới diễn ra liền ngày, bớt được nhiều thủ tục tốn kém. Các đôi nam nữ khi đến UBND thị trấn đăng ký kết hôn đều cam kết không để xảy ra tình trạng uống rượu say dẫn tới đánh nhau, không được đốt pháo trong lễ cưới. Ở các xã Yên Trung, Yên Nhân, Yên Cường (Ý Yên)… nhiều năm nay đã duy trì việc tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh vừa trang trọng, vừa tiết kiệm, các vợ chồng trẻ không còn cảnh lo vay mượn trả nợ sau cưới.
Đám cưới theo nếp sống văn hóa tại thôn Nhuộng, xã Yên Trung (Ý Yên). |
Việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh theo tinh thần Chỉ thị 27/1998/CT-TW của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) năm 2009 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27 đã được nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện khá hiệu quả trong thời gian dài. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan có nếp sống văn hóa. Việc tổ chức lễ cưới được BCĐ xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều địa phương giao cho Đoàn Thanh niên phối hợp với Ban văn hóa thực hiện giúp các đôi vợ chồng tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng đám cưới vẫn được tổ chức trang trọng, lịch sự chu đáo. Theo thống kê của Tỉnh Đoàn và Sở VH, TT và DL, đến năm 2011, toàn tỉnh đã có gần 23.500 thanh niên ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới và gần 6.000 đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều đám cưới trong tỉnh tình trạng tổ chức ăn uống linh đình trong đám cưới vẫn diễn ra. Nhiều gia đình tổ chức đám cưới hàng trăm mâm cỗ, ăn uống 3-4 ngày. Ở Thành phố Nam Định, nhiều thanh niên dự đám cưới khi đưa đón dâu chở 2, 3 người trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… gây mất trật tự an toàn giao thông… Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do việc tuân thủ những quy định về tổ chức việc cưới không được coi trọng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và gia đình thực hiện cưới theo nếp sống văn minh nhiều nơi chưa hiệu quả; các ngành chức năng, các địa phương không tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
Để tiếp tục nhân rộng việc tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới, Sở VH, TT và DL đã xây dựng dự thảo quy định mới về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trình UBND tỉnh phê duyệt. Tin tưởng trong thời gian tới khi các quy định mới được ban hành, việc cưới theo nếp sống văn hóa sẽ đi vào nền nếp./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc