Di tích lịch sử - văn hóa đền Thượng Lao, đền Xối Thượng

07:12, 11/12/2012

Di tích đền Thượng Lao thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản và đền Xối Thượng thờ Tiến sỹ Lê Hiến Tứ ở xã Nam Thanh (Nam Trực) được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

Theo tư liệu cổ, Bảng nhãn Lê Hiến Giản (Lê Hiến Phủ) và Tiến sỹ Lê Hiến Tứ là anh em sinh đôi (sinh ngày 10 tháng 2 năm Tân Tỵ - 1341) tại trang Thượng Lao, huyện Tây Chân nay thuộc xã Nam Thanh (Nam Trực).

Di tích đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực) là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ.
Di tích đền Xối Thượng, xã Nam Thanh (Nam Trực) là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ.

Từ nhỏ, 2 ông theo học Tiến sỹ Đào Toàn Bân (làng Cổ Lễ). Mùa xuân năm 1374, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường mở khoa thi Đình. Khi đi thi để tránh phạm huý Vua Trần, Lê Hiến Phủ phải đổi tên thành Lê Hiến Giản. Khoa thi năm đó, Lê Hiến Giản đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sỹ. Lê Hiến Giản làm quan đến chức Thị lang Đại học sỹ Tri thẩm hình viện trông coi việc pháp luật của triều đình. Lê Hiến Tứ làm quan Hạ đại phu và được vua điều đi trấn thủ Cao Bằng, có công dẹp giặc tại vùng Quảng Nguyên (nay là tỉnh Quảng Ninh) được thăng chức Trung lang tướng quân và Trấn nam tướng quân. Với quê hương, các ông đã tổ chức cho nhân dân đào một con sông (sông Đào giang) bắt nguồn từ sông Hồng chảy qua các vùng dân cư đông đúc của hai huyện Nam Trực và Trực Ninh đổ vào sông Ninh Cơ để thuyền bè đi lại được thuận tiện và cho đào các con ngòi bắt nguồn từ sông Đào giang chảy vào các cánh đồng để nhân dân thuận lợi làm nông nghiệp. Trong thời gian trấn thủ ở phủ Thiên Trường, Lê Hiến Giản đã có công chuyển cư, lấn biển, khai phá đất hoang ở vùng Giao Thủy, Xuân Trường ngày nay. Sống ở thời kỳ suy vong cuối triều Trần, trước cảnh Hồ Quý Ly chuyên quyền lấn át vua, Lê Hiến Giản đã tìm cách diệt trừ Quý Ly. Việc hành thích không thành, ông bị bắt, xử trảm ngày 12-12-1390. Vua Trần cho đưa thi hài về an táng và xây lăng mộ tại thôn Thượng Lao bên cạnh con ngòi lúc sinh thời ông đã cho đào. Bấy giờ, Lê Hiến Tứ đang sinh sống tại Khoái Châu (Hưng Yên) biết chuyện anh bị Hồ Quý Ly giết chết, ông xuống thuyền buôn trốn về núi Thần Thiệu, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Tuy nhiên, 1 năm sau ngày chết của anh, ông đã phải gieo mình xuống sông tuẫn tiết vào ngày 12-12-1391 do quân của Hồ Quý Ly truy đuổi. Để ghi nhớ công ơn của ông, một số địa phương ở vùng Quảng Ninh, Hưng Yên đã lập đền thờ. Sau khi 2 ông mất, cứ 3 hoặc 6 năm, triều đình lại tổ chức lễ hội gia ban quốc tế để tế lễ vào ngày mất của 2 ông. Lễ hội có rước bài vị của 2 ông đi quanh làng về đền Thượng Lao hợp tế. Trong thời gian diễn ra lễ hội thường có hội chọi trâu, giết trâu khao quân thắng trận, hát chèo, hội vật, đua thuyền, thi dệt vải… Những năm gần đây, địa phương tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của 2 ông đánh thắng quân Chiêm Thành.

Công trình đền Thượng Lao và đền Xối Thượng được xây dựng kiên cố, vững chắc từ thời Tây Sơn, qua thời gian được nhân dân địa phương sửa chữa, tôn tạo, nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo. Đền Thượng Lao thờ Bảng nhãn Lê Hiến Giản được xây dựng với kiến trúc kiểu chữ tam gồm ba tòa. Tòa tiền đường có 5 gian được xây dựng bằng hệ thống cột đá, cột lim vững chắc, các bộ vì được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng, trốn cột, các cấu kiện được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Tòa trung đường được xây dựng 3 gian hình vòm cuốn, trên cùng là hệ thống lâu gác theo kiểu “cổ đẳng hai tầng tám mái” với các đao uốn cong. Cung cấm được chạm khắc công phu, tại đây còn lưu giữ bức bia khắc ghi công lao của Bảng nhãn Lê Hiến Giản. Cách đền Thượng Lao 500m là đền Xối Thượng thờ Tiến sỹ Lê Hiến Tứ được xây dựng theo kiểu tiền chữ “Nhất”, hậu chữ “Đinh”. Tòa tiền đường gồm 5 gian với các bộ vì thiết kế chồng rường, giá chiêng, bảy tiền, bảy hậu được chạm khắc tinh xảo. Tòa trung đường gồm 3 gian làm bằng gỗ lim có chạm khắc thời Hậu Lê. Hệ thống cửa bức bàn chạm tứ linh rất sống động được sơn son, thếp vàng rực rỡ. Đền Xối Thượng hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như sắc phong, câu đối, đại tự, bia ký và tượng Tiến sỹ Lê Hiến Tứ. Hiện cả 2 di tích này còn lưu giữ khoảng 30 đạo sắc phong từ đời Vua Lê Vĩnh Trịnh (1705-1719) đến đời Vua Nguyễn Khải Định (1916-1925). Được sự quan tâm của Sở VH, TT và DL, chính quyền và nhân dân địa phương, cả 2 công trình thường xuyên được tu sửa, tôn tạo nên vẫn giữ được các giá trị truyền thống, trở thành địa chỉ văn hóa, lịch sử hiếu học cho thế hệ trẻ./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com