Đề tài TNXP qua tranh của họa sỹ Phạm Quyền

09:12, 26/12/2012

Trong suốt cuộc đời gắn bó với nghệ thuật hội hoạ, hoạ sỹ Phạm Quyền đã sáng tác nhiều thể loại, đề tài, trong đó để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem là mảng đề tài về thanh niên xung phong (TNXP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Họa sỹ Phạm Quyền, sinh năm 1939 ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1963, ông về công tác tại cơ quan Triển lãm tỉnh thuộc Ty Văn hóa Nam Hà (nay là Sở VH, TT và DL). 30 năm công tác, ông và các đồng nghiệp đã thiết kế hàng trăm bức tranh cho các cuộc triển lãm của tỉnh và Trung ương với thành tích 7 lần đoạt HCV. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, được chứng kiến hàng vạn chàng trai, cô gái phơi phới tuổi hai mươi xung phong vào chiến trường để ngày ngày mở đường đưa người, vũ khí, lương thực vào tiền tuyến, bất chấp sự hy sinh, gian khổ đã để lại những cảm xúc mãnh liệt đối với người nghệ sỹ. Nhưng phải nhiều năm sau ngày hòa bình ông mới có dịp thể hiện cảm xúc của mình về mảng đề tài này. Thời gian ông sáng tác nhiều về đề tài TNXP là từ năm 2001 trở lại đây. Tiêu biểu là các tác phẩm: “Bóng chùa giỗ đồng đội” (sơn dầu 165x200cm), “Dáng chiều nhớ Trường Sơn” (sơn dầu 120x120cm), “Yên nghỉ trên đất mẹ” (sơn dầu), “Trạm giao liên thời bom đạn” (sơn dầu 130x180cm), “Hang tám cô” (sơn dầu 105x155cm)… và gần đây nhất là tác phẩm “Trụ cầu bất tử” (sơn dầu 105x155cm) sáng tác năm 2012.

Họa sỹ Phạm Quyền với bức tranh “Trạm giao liên thời bom đạn”.
Họa sỹ Phạm Quyền với bức tranh “Trạm giao liên thời bom đạn”.

Mỗi tác phẩm được sáng tác dựa trên những cảm xúc mà hoạ sỹ đã có dịp chứng kiến hoặc biết qua một câu chuyện xúc động. Trong tác phẩm “Bóng chùa giỗ đồng đội”, ông mô tả khung cảnh trong ngôi chùa cổ kính, những cô gái TNXP có cả người lành lặn, thương binh, ni cô đang tổ chức giỗ cho những đồng đội đã hy sinh. Đây là câu chuyện có thật ở Thái Bình về 45 cô gái TNXP trong cùng đơn vị đã trải qua những ngày tháng ác liệt của “mưa bom, bão đạn” trở về quê hương người mất, người còn. Nhiều người trong số đó đã vào chùa tìm sự thanh thản trong tâm hồn nơi cửa Phật. Cảm xúc đau thương, mất mát cũng được hoạ sỹ thể hiện trong tác phẩm “Lăng tám cô” mô tả hình ảnh 8 TNXP khi làm nhiệm vụ lấp đường, vá hố bom đã bị chôn trong hang đá vào ngày 14-11-1972 tại đường 20 - Quyết Thắng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Với phong cách tả thực, có chiều sâu cùng gam màu nâu kết hợp màu vàng thể hiện sự đau thương, tiếc nuối về những hy sinh của những TNXP để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay… Bên cạnh những mất mát đau thương trong cuộc kháng chiến, tranh của hoạ sỹ Phạm Quyền còn mô tả cuộc sống chiến đấu, lao động hăng say của những TNXP trong thời chiến cũng như thời bình. Bức tranh lụa “Trên mặt trận mới” thể hiện hình ảnh những chiến sỹ TNXP năm xưa nay là những thương binh trong tổ cơ khí đang hăng say lao động sản xuất làm mỏ neo tàu thủy, góp phần xây dựng đất nước. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của ông về đề tài TNXP được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn tham dự Triển lãm mỹ thuật Quốc tế tại Bun-ga-ri năm 1977. Hay tác phẩm “Trụ cầu bất tử” sáng tác năm 2012 miêu tả các nữ TNXP ngâm mình dưới suối, bắc cầu trên vai để đưa thương binh qua sông…

Các tác phẩm hội hoạ về đề tài TNXP của họa sỹ Phạm Quyền được miêu tả với bút pháp tả “chất”, thể hiện chủ yếu bằng gam màu nóng với kỹ thuật đặc sắc qua cách thể hiện gờ nổi, tút tát… trên từng mảng màu, mang đậm dấu ấn riêng. Tranh của ông thể hiện tư duy mạch lạc, sáng tạo của người nghệ sỹ tài hoa. Sự thăng hoa nghệ thuật cùng tấm lòng đối với những TNXP thể hiện qua tác phẩm đã giúp ông giành được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến… Tiêu biểu như tác phẩm “Ráng chiều nhớ Trường Sơn” đoạt giải C Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực II năm 2003, giải B Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh năm 2005; tác phẩm “Bóng chùa giỗ đồng đội” được nhận tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm mỹ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2001./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com