Để các điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả

08:12, 08/12/2012

Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, hiện toàn tỉnh có 198/229 xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX). Những năm qua, hệ thống các điểm BĐVHX trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển phát thư báo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước tạo lập thị trường bưu chính viễn thông ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên sau hơn 14 năm hoạt động, hệ thống các điểm BĐVHX đang đứng trước nguy cơ “đóng cửa”. Các thiết bị được đầu tư, trang bị ngày một xuống cấp, nhiều nhân viên ở các điểm BĐVHX vì thu nhập thấp nên đã đóng cửa đi làm thêm để có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống...

Vắng vẻ, đìu hiu,
Vắng vẻ, đìu hiu, "cửa đóng then cài"... là cảnh thường thấy ở các điểm BĐVHX hiện nay (ảnh chụp tại BĐVHX Quang Trung, Vụ Bản).

Hiện tại, đã có 3 điểm BĐVHX tạm ngừng hoạt động, đó là BĐVHX: Nam Vân (TP Nam Định), Yên Thắng (Ý Yên) và Tân Thành (Vụ Bản). Do hoạt động cầm chừng, thu nhập thấp nên hằng tháng, Bưu điện tỉnh phải bù lỗ để trả tiền cho nhân viên trực tại các điểm BĐVHX. Chúng tôi đến điểm BĐVHX Quang Trung (Vụ Bản) vào khoảng 15h30 nhưng điểm bưu điện này vẫn “cửa đóng, then cài”, cơ sở hạ tầng bên ngoài thì đã xuống cấp. Hỏi thăm thì biết chị Ngát, nhân viên phụ trách điểm BĐVHX, hằng ngày, mở cửa điểm bưu điện vài tiếng rồi đóng cửa vì không có khách. Điểm BĐVHX Trung Thành (Vụ Bản) cũng trong tình trạng tương tự, mặc dù biển thông báo giờ mở cửa giao dịch là sáng từ 8h30 đến 10h30, chiều từ 14h30 đến 16h30 nhưng gần 16h mới mở cửa. Chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên của BĐVHX cho biết, chị làm công việc này đã 14 năm. Những năm trước, nhân dân quanh vùng thường đến BĐVHX gọi điện thoại, sử dụng các dịch vụ bưu chính và đọc sách, báo, doanh thu của bưu điện khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng nay bưu điện thưa vắng khách dần và doanh thu cũng giảm theo, cả năm 2011, chỉ thu được khoảng 5 triệu đồng. 11 tháng năm 2012, bưu điện doanh thu gần 6 triệu đồng từ bán thẻ điện thoại, tem thư, phong bì... Với mức thu nhập hạn hẹp không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, chị Thu còn kiêm luôn cả công việc thu tiền nước để có thêm thu nhập. Hiện tại, BĐVHX có khoảng hơn 300 đầu sách nhưng rất ít người đọc nên chị Thu phải đóng gói và cất đi.

Hệ thống BĐVHX đang mất dần vai trò trong đời sống xã hội. Đặc biệt, từ khi tách hoạt động bưu chính và viễn thông (năm 2008) đến nay, hệ thống BĐVHX gặp không ít khó khăn do nhu cầu dịch vụ ít. Nhiều điểm bưu điện, cả tháng không có người đến mượn sách, báo. Bên cạnh đó, do phần lớn BĐVHX được xây từ năm 1998 nên đến nay đã xuống cấp, tường bị bong tróc, tủ, bàn ghế hỏng rất nhiều. Việc đầu tư để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị rất khó khăn vì kinh phí hạn hẹp. Đồng chí Trần Thị Ánh Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Vài năm trở lại đây, Bưu điện tỉnh phải bù lỗ để duy trì hoạt động của các điểm BĐVHX. Doanh thu của các điểm BĐVHX hiện tại chủ yếu là bán thẻ điện thoại nên không đủ kinh phí để trả lương cho nhân viên. Để tăng thu nhập cho nhân viên, Bưu điện tỉnh đã cho phép nhân viên bán thêm bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm nhân thọ, huy động tiền gửi tiết kiệm... Hiện, thu nhập của nhân viên BĐVHX khoảng 650 nghìn đồng/người/tháng. Để tạo thêm thu nhập cho nhân viên, từ tháng 8-2012 đến nay, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Cty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Nam Định thực hiện thí điểm mô hình nhân viên bưu điện xã kiêm thu tiền nước tại điểm BĐVHX các xã Liên Bảo, Đại An, Hợp Hưng (Vụ Bản), Xuân Phú (Xuân Trường). Từ khi thực hiện mô hình trên, thu nhập của nhân viên bưu điện tại các xã này đã đạt từ 1 đến trên 2 triệu đồng/người/tháng. Để thu hút nhân dân đến với BĐVHX, Bưu điện tỉnh đang có kế hoạch phối hợp với các ngành để khai thác hiệu quả một số dịch vụ như: thu tiền nước, quản lý và chi trả lương hưu...

Xây dựng điểm BĐVHX là 1 trong 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Do vậy cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các điểm BĐVHX nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và tạo điều kiện cho cán bộ bưu điện đa dạng hoá các dịch vụ, đưa hệ thống điểm BĐVHX hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ phục vụ nhân dân./.

Bài và ảnh: Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com