Xã Xuân Hồng (Xuân Trường) có hệ thống di tích lịch sử, đền, chùa độc đáo, tiêu biểu như: chùa Ngọc Tiên, chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm.
Thi bơi chải chỉ đứng trong lễ hội chùa Keo, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Chùa Keo Hành Thiện thờ Thiền sư Không Lộ họ Dương, huý là Minh Nghiêm, sinh ngày 14-9 năm Bính Thìn (1016) là vị tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông và là tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường Việt Nam. Chùa toạ lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng gần sông Hồng và sông Ninh Cơ. Phía trước tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Gác chuông trước cửa chùa là kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm cao 7,5m gồm có 8 cột đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn, cảnh hoa sen mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Sau gác chuông là cụm kiến trúc trung tâm gồm tiền đường 5 gian, toà đệ nhị 3 gian, toà đệ nhất 3 gian thờ Phật và Thiền sư Không Lộ. Chùa Ngọc Tiên được xây dựng ở làng Ngọc Cục (nay là làng Ngọc Tiên) vào cuối đời Lý, đầu đời Trần để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng đã có công xây dựng làng xã. Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng Giêng, dân làng Ngọc Tiên lại mở hội để con cháu trong làng và dân quanh vùng về dự hội. Ngoài nội dung tế lễ, rước kiệu còn có các hoạt động văn hóa dân gian thao diễn lại tài thao lược nuôi quân của ông cha thuở xưa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, cùng với nội dung tế, lễ, rước kiệu còn có các hoạt động văn hóa dân gian như: đu tiên, leo cầu ngô trên mặt nước, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co... Nhưng độc đáo, sinh động và náo nhiệt nhất vẫn là trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần tổ tiên với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh xưa dấy binh đánh giặc thiếu thốn mọi bề vừa hành quân vừa lo hậu cần, tích cốc phòng cơ cho những khi thiếu đói. Chính vì vậy tục thổi cơm thi của làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước (địch thủy), tạo lửa (địch hỏa), đến thổi cơm làm bánh. Đây cũng chính là nét độc đáo hấp dẫn làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên. Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh được Nhà nước xếp hạng là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Đây là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến năm 1954. Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ cách mạng, đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà. Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh được làm bằng gỗ lim quay về hướng nam trên một khu đất rộng 531m2. Ngôi nhà có 5 gian, bộ vì kèo làm kiểu thượng chồng rường hạ bẩy kẻ, mái lợp ngói nam và hệ thống tường hồi, tường hậu được xây gạch thất. Trong số 5 gian nhà, 2 gian buồng phía đông và phía tây có bức vách thuận ngăn cách với 3 gian phòng khách ở giữa. Trước đây bức thuận có ngưỡng cao, lắp cánh cửa ô, từ năm 1944 được thay thế bằng cánh cửa quân bài và hệ thống ngưỡng cũng được hạ thấp tạo nên không gian rộng rãi. Hiện nay khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh có các hạng mục: Nhà lưu niệm (nhà thờ), nhà khách, nhà lợp bổi được phân bổ theo tòa ngang dãy dọc có sân vườn, cây lưu niên, ao nước nhỏ được bao bọc trong tường xây dậu trúc khép kín mang đậm phong cách truyền thống.
Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, xã Xuân Hồng đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá. Các làng Hành Thiện và Ngọc Tiên có di tích đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm và tổ chức phổ biến công khai, giúp cho người dân và du khách tham quan có thêm sự hiểu biết về các giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, thời gian qua, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Từ năm 2008 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương và bà con khắp nơi, chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan được đầu tư, tôn tạo với số tiền gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe rộng gần 4.000m2; xây dựng một số công trình phụ trợ để phục vụ nhân dân về dự lễ hội. Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội chùa Keo Hành Thiện và lễ hội chùa Ngọc Tiên đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương đối với khách trong nước và quốc tế. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, lễ hội ngày càng được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội truyền thống./.
Bài và ảnh: Việt Thắng