Vụ Bản là vùng đất cổ, giàu di sản văn hóa với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các phong tục tập quán, thơ ca, truyền thuyết, giai thoại dân gian, văn tế, văn bia, câu đối…, các hình thức trình diễn văn hóa văn nghệ dân gian trong lễ hội như hát chèo, hát trống quân, hát văn, hát ví, hát giao duyên... Trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, huyện luôn quan tâm phát huy tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian vừa làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Trong lễ hội Phủ Dầy diễn ra vào dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, bên cạnh các hoạt động rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, múa rồng, thả đèn trời… nghệ thuật hát chầu văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là điểm nhấn, tạo nên sắc thái độc đáo cho lễ hội. Hơn chục năm nay, huyện Vụ Bản duy trì tổ chức hội thi hát chầu văn, hát xẩm, hát ca trù tại lễ hội Phủ Dầy, thu hút hàng trăm diễn viên, nhạc công của các tỉnh như: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hà Nội. Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (còn gọi là hội Thái bình xướng ca) diễn ra vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi có hàng chục trò chơi dân gian. Nét đặc sắc là các trò chơi đều diễn ra trên nền các bài hát như đánh tam cúc điếm kết hợp dùng lời hát để dẫn bài, thi dệt vải trên mặt hồ kết hợp xướng ca, thi hát trống quân với hai bên nam nữ hát đối đáp nhau về các loại hoa quả, cây thuốc của xứ đồng làng Gạo, thi thả thơ, thi ngâm bài phú “Mục lục” ca ngợi quê hương và khuyên nhân dân trong làng sống hòa thuận…
Hát văn trong lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản). Ảnh: Xuân Thu |
Phong trào văn nghệ quần chúng những năm qua được đẩy mạnh, cũng góp phần khôi phục phát huy tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian. Hằng năm, huyện đều tổ chức hội diễn, liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng các cấp, thu hút hàng ngàn lượt diễn viên, nhạc công không chuyên tham gia. Trong các hội diễn văn nghệ, huyện đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi địa phương. Các đội văn nghệ của làng xã, đặc biệt là các làng chèo truyền thống cũng được khôi phục. Tiêu biểu là làng chèo Hào Kiệt xã Liên Minh được thành lập từ những năm 1950. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, niềm đam mê hát chèo của các thế hệ diễn viên đầu tiên như: kép Châm, kép Me, kép Bường, đào Dính, đào Tuyết và các nhạc công như cụ Cao, cụ Nguyệt, cụ Thược, cụ Nhật đã được truyền cho các thế hệ cháu con để đến nay tiếng hát chèo vẫn vang lên làm rộn rã tưng bừng xóm làng mỗi dịp hội hè và đóng góp vào hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn nghệ quần chúng những năm gần đây cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đầu tư với hệ thống nhà văn hóa phát triển mạnh từ xã đến các thôn xóm, là cơ sở để đẩy mạnh các sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Ngoài ra, toàn huyện còn có hàng trăm CLB với nhiều loại hình phong phú trong đó chủ yếu là các CLB thơ sinh hoạt theo định kỳ thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia. Các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật đều được xây dựng theo hướng xã hội hóa. Tiêu biểu là các CLB thơ văn như: Hương Quê xã Liên Minh, Trường Sinh xã Thành Lợi, Lương Thế Vinh xã Liên Bảo, làng Hoàng xã Minh Tân, Nguyễn Bính (Trường THPT Nguyễn Bính), CLB thơ văn Thiên Bản, chi nhánh UNESCO thơ Đường… Để phát huy tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện đã thực hiện tốt chức năng định hướng hoạt động, tập huấn nghiệp vụ nhà văn hóa - CLB cho các cơ sở; quan tâm bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ nhằm khơi dậy, động viên và phát huy vai trò, đóng góp của các CLB cho hoạt động văn hóa nghệ thuật ở địa phương, thiết thực đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, huyện còn mở các lớp năng khiếu đàn hát, trong đó chú trọng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian; tiến hành khảo sát thống kê về nghệ thuật hát ca trù trên phạm vi toàn huyện, góp phần hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể ca trù; tiến hành khảo sát thống kê hạt nhân văn nghệ quần chúng ở các địa phương, đơn vị. Mới đây, tỉnh ta đã được Bộ VH, TT và DL chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 287 di tích liên quan đến nghi lễ chầu văn, trong đó quần thể di tích Phủ Dầy là trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ chầu văn tiêu biểu của tỉnh. Tại hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Mẫu ở Việt Nam và Châu Á - bản sắc và giá trị” tổ chức tại huyện Vụ Bản vào cuối tháng 9 năm 2012 là cơ sở để tỉnh ta lập hồ sơ khoa học về nghi lễ chầu văn, chương trình diễn xướng chầu văn, hầu đồng tại phủ Vân Cát và phủ Tiên Hương đã khẳng định thêm bản sắc văn hóa độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là cơ hội để huyện Vụ Bản tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng văn hóa, văn nghệ dân gian của địa phương./.
Hồng Hạnh