Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là bảo tàng hàng đầu của hệ thống bảo tàng lịch sử nước ta, được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai bảo tàng có truyền thống hoạt động lâu năm là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Chỉ tính riêng mười tháng đầu năm 2012, số lượng khách tham quan bảo tàng đạt 63.254 lượt người, nhưng số lượng khách du lịch đến tham quan còn hạn chế. Thời gian tới, bảo tàng sẽ triển khai liên kết với du lịch để đẩy nhanh lượng khách đến bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (ảnh: Internet). |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam nhận định: "Việc liên kết hoạt động giữa bảo tàng và du lịch khẳng định rõ vai trò của các di sản văn hóa đối với du lịch và là hình mẫu gắn kết liên ngành vì sự phát triển bền vững. Hệ thống bảo tàng di sản, di tích không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa của quá khứ, thể hiện lòng tự hào truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc mà còn là nơi thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước".
Để bảo tàng trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc của du khách, là địa chỉ quan trọng trong hệ thống tua của các công ty du lịch, lữ hành đòi hỏi phải đổi mới diện mạo cả về nội dung lẫn hình thức cũng như các phương thức dịch vụ bảo tàng. Khách đến với bảo tàng sẽ có nhiều đối tượng hơn và nhu cầu tìm hiểu ngày càng đa dạng hơn. Vì vậy phải đặc biệt quan tâm đến công tác trưng bày, coi nó có vai trò số một trong chiến lược thu hút khách của các bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là bảo tàng duy nhất ở nước ta trưng bày toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử cho đến nay, với phương pháp trưng bày theo niên sử kết hợp với trưng bày chuyên đề sưu tập. Trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành nhiều đợt chỉnh lý nâng cấp toàn bộ hệ thống trưng bày và cải tạo, xây dựng khu trưng bày ngoài trời với quy mô lớn. Hệ thống chú thích, bảng chỉ dẫn, băng đĩa ghi âm, ghi hình, các tài liệu viết, các bản đồ, sơ đồ... đã được bổ sung đầu tư. Kiện toàn hệ thống nghe nhìn, hệ thống thuyết minh tự động tiếng Việt, tiếng Anh... Nhưng để phát triển du lịch, có lẽ bảo tàng phải tạo ra được điểm nhấn gây sự chú ý của du khách. Theo lãnh đạo bảo tàng, nếu trưng bày theo biên niên sử mà không tạo ra các điểm nhấn gây sự chú ý đặc biệt cho du khách sẽ "giống như một dòng nước chảy đều đều, ít sức hấp dẫn". Một trong những biện pháp tạo điểm nhấn là tổ chức trưng bày chuyên đề, sưu tập. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng từng trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc quý hiếm, những vấn đề lịch sử chuyên sâu mà hệ thống trưng bày cố định chưa thể hiện một cách toàn diện sâu sắc và kết quả là đã góp phần làm cho bảo tàng luôn luôn có được sự đổi mới, sống động và hấp dẫn khách tham quan.
Du khách tham quan Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (ảnh: Internet). |
Cùng với cách thức trưng bày hiện vật, đội ngũ hướng dẫn viên có vai trò quan trọng trong việc giúp khách tham quan nắm bắt toàn diện tri thức về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc. Để hướng dẫn khách du lịch thì đội ngũ này còn phải có thêm nhiều tố chất mới. Hướng dẫn viên vừa phải là người am hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội, thông thạo tiếng nước ngoài vừa có nghệ thuật trình bày giao tiếp tạo sức cuốn hút du khách. Tham gia một tua du lịch di sản của Hàn Quốc giới thiệu những di sản văn hóa, chúng tôi thấy hướng dẫn viên có "biệt tài" làm cho các lâu đài, ngôi nhà cổ cách đây hàng thế kỷ như sống lại trước mắt du khách qua những câu chuyện, ngôn ngữ giàu hình ảnh... Cách diễn tả của hướng dẫn viên đã gây ấn tượng mạnh cho du khách, đóng vai trò là cầu nối giữa di sản văn hóa với du khách. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong tình hình mới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo hướng dẫn viên. Đến nay bảo tàng đã có một đội ngũ hướng dẫn viên với khoảng 20 cán bộ được tuyển chọn từ các trường đại học chuyên ngành như: bảo tàng, lịch sử, ngoại ngữ... Tuy nhiên, khi bước vào hoạt động du lịch chắc chắn đội ngũ này phải được bồi dưỡng nâng cao chất lượng hơn nữa. Việc tuyển chọn, đào tạo được một hướng dẫn viên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng nước ngoài tại bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ để hướng dẫn nội dung trưng bày đòi hỏi hướng dẫn viên vừa nắm bắt nội dung lịch sử sâu rộng vừa đủ khả năng chuyển ngữ, với một lượng thuật ngữ chuyên ngành khá lớn. Vì thế, cho đến nay bảo tàng chỉ có ba cán bộ hướng dẫn viên tiếng nước ngoài (hai hướng dẫn viên tiếng Anh và một hướng dẫn viên tiếng Pháp). Hầu hết công tác hướng dẫn khách nước ngoài do các hướng dẫn viên du lịch đảm nhận. Điều đó dẫn đến những hạn chế trong việc phát huy hiệu quả nội dung trưng bày, trong việc giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa của tài liệu, hiện vật ở bảo tàng. Cho nên, trước mắt cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm giữa hướng dẫn viên của bảo tàng và hướng dẫn viên của ngành du lịch để công tác hướng dẫn đạt hiệu quả tối ưu.
Khi làm du lịch, việc tuyên truyền quảng bá bảo tàng hết sức cần thiết. Trang website của bảo tàng là một trong những kênh thông tin, truyền thông quan trọng, đến nay đã có 8.133.652 lượt truy cập. Trang thông tin này giúp công chúng biết được quá trình hình thành phát triển của bảo tàng, tin tức hoạt động chuyên môn, các cuộc trưng bày chuyên đề... Bảo tàng tổ chức thực hiện việc xuất bản, công bố những công trình nghiên cứu khoa học, các bài nghiên cứu cùng với việc cung cấp thông tin với du khách thông qua các tờ gấp bằng các tiếng: Việt, Anh, Pháp... các post-cart giới thiệu các cổ vật đặc sắc của bảo tàng như: Gốm hoa lam, gốm men nhiều màu, hiện vật giấy vải... Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thông trên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của du khách và vẫn bó hẹp trong phạm vi đáp ứng những du khách đến tham quan trực tiếp bảo tàng. Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền quảng bá, đặc biệt phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các công ty du lịch lữ hành quốc tế và nội địa hàng đầu của Việt Nam để phát huy hình ảnh của mình trên phạm vi rộng lớn ở trong nước và quốc tế.
Du lịch di sản, du lịch văn hóa đang ngày càng thể hiện là một ưu thế của du lịch Việt Nam. Gắn kết bảo tàng với du lịch chính là sự khẳng định vai trò của bảo tàng đối với du lịch, với mục tiêu đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.
Theo nhandan.com.vn