Thương nhớ cầu ao

08:11, 16/11/2012

Cầu ao từ xa xưa đã gắn bó vô cùng mật thiết trong đời sống của mỗi gia đình ở thôn quê. Quê tôi đặc biệt hơn khi được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều ao hồ trù phú. Cái ao to nhất làng rộng đến cả vài mẫu. Những hộ gia đình may mắn cư ngụ cạnh cái ao to đó đều có bắc những cây cầu nối dài ra ao. Vì thế mà tạo nên một quần thể cầu ao hết sức đẹp mắt mà ít nơi nào có được. Cầu ao cũng là nơi mỗi ngày người dân quê tôi dừng chân nhiều nhất.

Cầu ao được thiết kế vô cùng đơn sơ, mộc mạc. Chỉ là mấy cái cọc tre đóng sâu xuống nước, mấy tấm ván mộc bắc lên hoặc chỉ là những tảng đá được nhặt ở đâu đó về kè vào là đã thành một chiếc cầu ao. Sớm và chiều những tiếng nói cười rôm rả vọng từ bờ bên này, sang bờ bên kia.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trong ký ức tuổi thơ tôi, cầu ao đã chiếm chọn những gì bình dị nhất. Cây cầu được cha đót từ những cây tre già rồi đóng lại dưới ao chắc chắn. Ngày qua ngày, cây cầu ấy được bà tôi ưu ái chăm sóc bằng cách kè những bao cát và ít đá xanh bà nhặt được, nén xuống chân cầu nên vô cùng vững chãi. Buổi sáng, bà sẽ ra ngoài cầu vớt bèo cho lợn. Buổi trưa, mẹ vẫn cọ rửa nồi niêu, xoong chảo… trên cây cầu đó. Chiều chiều, đám con nít chúng tôi vẫn rủ nhau ra cầu nhảy ùm xuống ao.

Đặc biệt vào những ngày mùa thì ao làng như mở hội. Đi làm đồng về đã thành thói quen, người dân trong làng ra những cây cầu chung rửa chân để giọt nước mát lạnh táp vào da thịt, mọi mệt mỏi như tan biến. Quanh ao làng khi những bó mạ được đem từ đồng thả qua đêm cho xanh mát rồi sáng hôm sau sẽ được đem đi cấy. Trên chính những chiếc cầu chung ấy, cũng là nơi cha múc vội gáo nước thưởng cho chú trâu sau một ngày lao động vất vả.

Phong cảnh bờ ao đẹp nhất vẫn phải kể đến là vào mùa thu. Khi những bông hoa mướp hờ hững in bóng mình xuống nước, ong bướm nhởn nhơ hút mật, chao mình trên mặt ao. Tất cả như một bức tranh thủy mặc, đẹp đến nao lòng.

Có thể nói, cầu ao đã ôm vào lòng biết bao kỷ niệm về miền quê yên ả. Nơi ấy, chúng tôi những đứa trẻ đầu trần ôm cây chuối vườn mà bì bõm dưới ao quê. Nơi ấy, những chú đom đóm lập lòe đốt lửa làm sáng rực cả chiền quê, nơi ấy tối tối người ta vẫn ra cầu ao nhỏ to trò chuyện mỗi đêm hè… Và câu chuyện của làng quê, người quê như được gói trọn nơi những cây cầu ao mộc mạc./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com