Ý Công nước Vệ lên ngôi đã chín năm nhưng rất lười biếng, chẳng thiết đến chính sự, lại chỉ thích chơi chim hạc.
Chim hạc xinh đẹp, tiếng kêu hay, nhảy múa cũng khéo. Vì nhà vua thích chơi nên người nước Vệ thường đem hạc đến tiến; mà ai tiến hạc đều được trọng thưởng. Thành thử trong cung nuôi đầy những hạc, kể hàng mấy trăm con.
Ý Công lại thưởng phẩm hàm và cấp lương bổng cho hạc. Con nào đẹp thì được ăn lộc quan đại phu. Mỗi khi nhà vua đi chơi đâu thì có mấy cái xe lớn để cho chim hạc đứng dàn ở trước mặt, gọi là “Hạc tướng quân”. Những người nuôi hạc cũng đều được hậu lương. Triều đình phải thu thuế của dân thật nặng để đủ tiền cấp lương cho hạc.
Bắc Địch là một nước cường thịnh. Vua Bắc Địch tên Sưu Man đem binh sang đánh nước Vệ. Ý Công đương sai người xe hạc đi chơi được tin lấy làm kinh sợ, tức khắc hạ lệnh động viên. Dân nước Vệ bỏ trốn, không ai chịu ra lính.
Nhà vua liền sai quân đi bắt được hơn trăm người, đem về tra hỏi: “Tại sao dám trốn lính?”. Dân thưa:
- Chúa công dùng một giống vật cũng đánh nổi được quân Bắc Địch, cần gì phải dùng đến lũ chúng tôi.
Nhà vua hỏi:
- Vật gì mà đánh nổi quân giặc?
- Chim hạc.
- Chim hạc thì đánh giặc thế nào được?
- Chim hạc không đánh được giặc quả là vật vô dụng, vậy mà chúa công đã nuôi những vật vô dụng, bỏ những người hữu dụng. Bởi thế, dân chúng không phục.
Nhà vua nói:
- Nay ta đã biết hối. Ta xin theo ý dân mà đuổi hết chim hạc đi.
Ý Công tức khắc sai người đuổi bỏ chim hạc. Quan đại phu Thạch Kỳ phải thân hành đi khắp các chợ, giảng dụ cho dân hiểu rõ nhà vua đã biết hối lỗi. Dân chúng bấy giờ mới chịu ra đi lính thì quân Bắc Địch đã kéo đến nơi.
Vệ Ý Công cùng với đại tướng là Cừ Khổng đem quân ngăn đánh. Trong khi đi đường quân sĩ đều oán nhà vua và làm thành bài thơ:
Hạc được ăn lương/ Dân phải cày ruộng/ Hạc được ngồi xe/ Dân phải vác giáo!/ Quân giặc gớm ghê/ Mười phần chết chín/ Nay hạc đi đâu/ Để ta khổ sở.
Vệ Ý Công nghe quân sĩ hát lấy làm buồn rầu. Quan đại tướng là Cừ Khổng lại hay nghiêm khắc nên quân sĩ càng đem lòng tức giận.
Quân Vệ vốn không có lòng đánh giặc, lại thấy quân giặc mạnh tợn nên ồ nhau bỏ chạy. Vệ Ý Công và Cừ Khổng đều bị giặc giết cả.
Chiến quốc sách
Lời bàn: Kẻ cầm vận mạng đất nước ưu đãi những kẻ vô dụng như thế, thì đến khi nguy biến còn ai ra gánh vác giang sơn, củng cố ngai vàng? Sự bất mãn không phải chỉ riêng ở kẻ hiền tài mà ở toàn cả dân chúng. Đến bước đường cùng, trước tai biến xảy đến, kẻ lãnh đạo bấy giờ mới kêu gào than khóc cho sự sai lầm dại dột của mình thì đã muộn màng rồi!
Bỏ người hiền tài, dùng kẻ vô dụng, đến bước khốn cùng lại không có thái độ thương yêu quân lính, nước mất mạng vong là lẽ tất nhiên./.
Theo Xử thế của cổ nhân