Người thắp lửa, giữ hồn cho nghệ thuật chèo

08:11, 08/11/2012

Từ lâu, Ý Yên được xem là “đất chèo” với các làng chèo Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường... cùng hàng chục đội chèo và hàng trăm nghệ sĩ có tiếng. Được coi là người giữ lửa, làm sáng đèn những đêm diễn của đất chèo, “nghệ sỹ” Trần Quang Lộc, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên nung nấu ước mơ khôi phục lại thời “hoàng kim” chèo Ý Yên.

30 năm gắn bó với chiếu chèo

Ông Trần Quang Lộc say sưa kể về cái thời ông, bà, bố mẹ ông ngày ngày ngân nga những khúc chèo cổ. Vào thời kỳ phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, gia đình ông đã là một gánh chèo có tiếng ở Yên Phong. Cái “máu chèo” vì thế ngấm vào ông từ những ngày thơ bé. Những năm chiến tranh ác liệt, vào bộ đội, anh lính trẻ Trần Quang Lộc vẫn “nghêu ngao” câu hát chèo quê nhà và nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ của đơn vị. Năm 1986, trở về quê, ông trở thành hạt nhân phong trào văn nghệ của xã, của huyện. Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, không chỉ hát, ông còn viết kịch bản chèo, với hơn 20 vở và khoảng 30 tiểu phẩm, đủ các thể loại. Chèo đề tài lịch sử có “Đại Hồng chung Đàm Linh Tự”, “Kể chuyện Thành tổ linh thông”, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”... Các vở chèo hiện đại có: “Đường xuân”, nội dung về vấn đề xây dựng nông thôn mới, “Tình qua xóm bạc” nói về tình quân dân. Ngoài ra, ông còn viết một số kịch bản chèo ngắn phục vụ nhu cầu tuyên truyền theo chủ đề như “Chuyện nhà anh Phởn” về đề tài dân số - KHHGĐ… Ông Lộc còn viết lời mới cho các bài ca trù với các bài: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… và dàn dựng các giá đồng. Ngoài khả năng viết kịch bản cho các vở chèo, ông còn là một “tay” hát chèo có hạng, một diễn viên chèo xuất sắc được người yêu chèo trong, ngoài huyện biết tới. Là người khá đa tài, có nghề với bộ môn nghệ thuật sân khấu chèo, ông Lộc vừa viết được kịch bản sân khấu, vừa có thể sắm vai những kép chính trong các vở diễn. Tiếng lành đồn xa, nhiều nơi đã đặt kịch bản nhờ ông viết. Năm 2012, khi di sản thành Nhà Hồ được đón Bằng công nhận di sản văn hóa thế giới tỉnh Thanh Hoá đã đặt ông viết, dàn dựng vở “Chợ quê” biểu diễn trong đêm đón Bằng công nhận di sản văn hoá thế giới. Trước đó Thành phố Hải Phòng cũng đặt ông viết vở “Bạch Đằng Giang nổi sóng Quỳnh Hoàng mở hội”… Trong suốt 30 năm gắn bó với chiếu chèo, ông Lộc đã giành nhiều giải thưởng trên cả 3 tư cách, tác giả kịch bản, diễn viên xuất sắc, đạo diễn ở các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực. Năm 2000, ông được Bộ VH, TT và DL tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”.

Ông Trần Quang Lộc say sưa biểu diễn bên cây đàn Tam.
Ông Trần Quang Lộc say sưa biểu diễn bên cây đàn Tam.

Và một ý tưởng

Năm 2003, ông Trần Quang Lộc đã đứng ra thành lập CLB nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên. Với 17 thành viên nòng cốt nhưng khi cần, CLB có thể huy động hàng trăm người có khả năng biểu diễn chèo đi phục vụ bà con ở nhiều địa phương. Trong nhiều năm đi diễn khắp nơi trong huyện, hầu như xã nào có người biết hát chèo ông đều biết và đến vận động, kết nạp vào CLB. Sau khi đã tập hợp họ lại trong CLB nghệ thuật chèo truyền thống huyện Ý Yên, ông Lộc bắt đầu nhiều kế hoạch biểu diễn mới theo hướng bán chuyên nghiệp. CLB hiện là nơi sinh hoạt, luyện tập, trao đổi kinh nghiệm “ca hát truyền thống” của các thành viên. Họ gồm đa dạng các lứa tuổi, một số cụ cao niên hiện vẫn hăng say tập luyện như cụ Vũ Duy Khể năm nay đã 75 tuổi, cụ Nguyễn Thanh Xuân cũng đã 70 tuổi. Lứa trẻ nhất khoảng 27-28 tuổi. Có nhà 2 mẹ con cùng tham gia CLB. Hầu hết “diễn viên” trong CLB đều có năng khiếu, đặc biệt có nhiều hội viên trẻ được học qua các trường lớp nhạc, họa… CLB thường bố trí lịch sinh hoạt, tập luyện vào thời điểm nông nhàn và hầu như tháng nào cũng nhận từ 2-3 “hợp đồng” biểu diễn. Đó có thể là đám mừng thọ, đám cưới, hội nghị, hội diễn hoặc đám hát chầu văn trong các đền chùa… Không chỉ diễn ở huyện, CLB còn thường xuyên nhận được lời mời biểu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái… Là người giữ lửa cho CLB hoạt động, ông vẫn nói vui: “Năm nay diễn ở chỗ nào đã phải tính làm sao để sang năm họ mời mình”. Vào các dịp như thanh minh, mừng thọ, lễ hội hằng năm đều được ông “tính trước” để viết vở, dàn dựng.

Để duy trì hoạt động của CLB, ông Lộc chia sẻ: “Ngoài việc nghiêm túc với nghề, còn phải truyền được cảm hứng, tình yêu, sự say mê đến với mỗi thành viên. Quan trọng hơn nữa là phải tạo ra thu nhập để động viên, khuyến khích mọi người tham gia”. Đam mê và yêu mến những làn điệu chèo, ông Lộc “xót xa” khi thấy lớp trẻ không còn mặn mà, nhiều nơi trong huyện trước kia vốn có tiếng về hát chèo hiện đã mai một... Ước mơ của ông là duy trì và tiếp tục mở rộng hoạt động của CLB, từ đó nhân rộng tình yêu nghệ thuật truyền thống cho nhân dân ở các vùng quê trong huyện./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com