Nam Trực phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

08:11, 02/11/2012

Huyện Nam Trực hiện có 32 CLB, đội văn nghệ, nhóm ca khúc làm nòng cốt trong các phong trào sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của địa phương thu hút đông đảo nhân dân trong huyện đến tham gia sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, các đội văn nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ của nhân dân mà còn phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều đội văn nghệ trong huyện dàn dựng được những chương trình nghệ thuật đa dạng; tiêu biểu là đội văn nghệ xã Nghĩa An, CLB chèo xã Nam Thái, CLB văn nghệ Phòng GD và ĐT huyện, nhóm văn nghệ của Hội Phụ nữ huyện...

Đội kèn đồng huyện Nam Trực đạt giải nhì tại Hội thi Nhạc kèn và đồng ca hợp xướng toàn tỉnh năm 2012. Ảnh: Việt Thắng
Đội kèn đồng huyện Nam Trực đạt giải nhì tại Hội thi Nhạc kèn và đồng ca hợp xướng toàn tỉnh năm 2012. Ảnh: Việt Thắng

CLB chèo xã Nam Thái có gần 40 diễn viên, nhạc công chuyên biểu diễn các trích đoạn, tiểu phẩm chèo. Đội văn nghệ xã Nghĩa An gồm 22 người thường xuyên tập luyện, biểu diễn các chương trình nghệ thuật tổng hợp như: chèo, hát mới, hát văn, độc tấu đàn bầu, ngâm thơ, kịch... Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức luôn thu hút 100% số xã, thị trấn trong huyện tham gia với hàng trăm tiết mục. Trong dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định vừa qua, huyện đã tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng ở 5 cụm miền, mỗi miền gồm 4 xã, mỗi xã có 7 tiết mục trở lên. Các xã Nam Dương, Nam Thái, Nam Tiến, Nam Hoa, Nam Thanh, Nghĩa An đã đầu tư kinh phí, dàn dựng chương trình ca múa nhạc để tham gia hội diễn. Thế mạnh của huyện là có nhiều hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Tiêu biểu như các ca sỹ, diễn viên, nhạc công không chuyên: Lại Hữu Soái (Đội văn nghệ quần chúng xã Nghĩa An); Ngọc Tuyền (CLB chèo Nam Thái); Đức Thọ (CLB văn nghệ xã Nam Thanh); Trọng Thi, Trung Đức (CLB phòng GD và ĐT huyện); Thúy Hiền (CLB văn nghệ xã Đồng Sơn)… Từ lực lượng hạt nhân văn nghệ nòng cốt, huyện đã tích cực tham gia các hội thi cấp tỉnh: 70 diễn viên của ca đoàn xứ Báo Đáp xã Hồng Quang tham gia hội thi đồng ca hợp xướng đạt giải nhì. Đội kèn đồng của 4 xứ họ đạo xã Hồng Quang gồm 70 nhạc công đạt giải nhì toàn tỉnh tại Liên hoan nhạc kèn dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Tới đây, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), huyện sẽ tổ chức Tuần lễ văn hóa giáo dục, trong đó có hội thi tiếng hát giáo viên, học sinh của 104 trường thuộc 4 cấp học. Cùng với các loại hình nhạc mới, trong phong trào văn nghệ quần chúng, huyện luôn chú ý khai thác, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa văn nghệ dân gian. Nhiều loại hình sinh hoạt văn nghệ truyền thống được khôi phục và phát triển. Hai đội rối nước của Thị trấn Nam Giang và xã Hồng Quang, mỗi đội trên 30 diễn viên, nhạc công duy trì hoạt động thường xuyên tại các lễ hội trong và ngoài tỉnh, với nhiều tiết mục xuất sắc được đánh giá cao trong Liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hải Dương năm 2011. Hằng năm, vào dịp lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa đền Xám xã Hồng Quang, đền Vân Cù - Giao Cù xã Đồng Sơn, đền Trần thôn Bái Dương, xã Nam Dương... đều tổ chức hội thi hát ca trù, hát văn. Để bảo tồn nghệ thuật truyền thống hát văn, hầu bóng, năm 2012, Phòng VH-TT huyện đã tổ chức kiểm kê tại hơn 100 đền phủ từ đường - nơi diễn ra nghi lễ hát văn, hầu đồng và hơn 200 hạt nhân hát văn, hầu bóng, sử dụng nhạc cụ dân tộc phục vụ cho hát văn, hầu đồng, giúp tỉnh lập hồ sơ khoa học, đề nghị UNESCO công nhận hát văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phòng VH-TT huyện còn phối hợp với Nhà văn hóa tỉnh lập hồ sơ khoa học về hát rối chùa Bi, đề nghị Bộ VH, TT và DL đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn. Phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Nam Trực phát triển mạnh là do có sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đội văn nghệ hoạt động. Nhiều xã, thị trấn đã hỗ trợ kinh phí để các đội văn nghệ quần chúng tổ chức luyện tập, mua sắm trang phục biểu diễn. Đội văn nghệ xã Nghĩa An được đầu tư gần 10 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã và nguồn kinh phí từ xã hội hóa để tham gia hội diễn cấp huyện năm 2012. Dàn đồng ca hợp xướng và đội kèn đồng của xã Hồng Quang cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng từ công tác xã hội hóa khi tham gia các hội thi cấp tỉnh dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định.

Để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, Trung tâm VH-TT huyện đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng năng khiếu, phát triển tài năng văn hóa văn nghệ, nhất là tài năng văn nghệ dân gian. Trung tâm đã phối hợp với CLB nghệ thuật, đội văn nghệ ở một số xã, thị trấn mở các lớp bồi dưỡng hát chèo, hát văn, ca trù; đồng thời phối hợp với đội ngũ giáo viên âm nhạc, hội họa và các gia đình có truyền thống nghệ thuật mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho hàng trăm thanh thiếu niên trên địa bàn, tạo lực lượng kế cận cho phong trào văn nghệ ở địa phương. Phòng VH-TT huyện cũng thường xuyên cử cán bộ nghiệp vụ gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn ban văn hóa các xã, thị trấn, các nhà văn hóa thôn, làng, các CLB, đội văn nghệ kết hợp các đoàn thể quần chúng xây dựng nhiều chương trình văn nghệ và tổ chức biểu diễn, giao lưu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com