Xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có hệ thống quần thể di tích lịch sử, văn hóa khá phong phú, gồm 14 di tích, trong đó 2 di tích được xếp hạng quốc gia là đền Bảo Lộc thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đền Lựu Phố thờ Thống Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ; 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là đền Trần Thừa, Đình Đông, Đình Tây, Hậu Bồi, Lộc Quý. Các di tích lịch sử - văn hóa nơi đây đều gắn với nhà Trần - triều đại thịnh trị bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Đền Lựu Phố là căn cứ địa trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII; được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay đền Lựu Phố vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ.
Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. |
Hiện, đền còn lưu giữ được 4 chân tảng đá cánh sen kép chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Lễ hội đền Lựu Phố được tổ chức vào mùng 7-7 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu, hoạt động văn hóa văn nghệ, còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo, chầu văn… Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Bảo Lộc xưa là khu thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo), nay là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và gia đình. Hằng năm, tại Đền Bảo Lộc diễn ra nhiều lễ hội như Lễ Khai ấn (đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng), Trần Quốc Toản ra quân (24 tháng Giêng) và lễ hội Trần diễn ra từ ngày 10 đến 20-8 âm lịch với các hoạt động lễ tế, rước, dâng hương; phần hội cũng được chú trọng như múa rối, đánh cờ người, chọi gà… đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia lễ hội. Quần thể di tích văn hoá nơi đây cùng với lễ hội Trần diễn ra vào dịp tháng Tám hằng năm là môi trường bảo tồn, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc. Thời gian qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát, khai quật khu vực đền Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam, Đình Tây và phát hiện được nhiều di vật có niên đại và tầng văn hóa kéo dài từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX. Tiêu biểu như gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Trường”, các loại ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, ngói cong; dấu tích các bờ kè đá, nền sân, nền gạch; xuất lộ dấu tích kiến trúc mới như dải hoa chanh, các ô bát giác dạng bồn hoa, các móng trụ... Các di vật được phát hiện có ý nghĩa khoa học lớn về một kiến trúc, có niên đại chuẩn thời Trần.
Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Phúc đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý di tích xã Mỹ Phúc thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý uống nước nhớ nguồn và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc. Thực hiện Quyết định 252/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015, đến nay, UBND tỉnh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Trần, trong đó có 4 di tích bao gồm các đền: Lựu Phố, Trần Thừa, Đình Tây và Hậu Bồi của xã Mỹ Phúc được triển khai giai đoạn I (từ 2006-2010) và tiếp tục bổ sung thêm các di tích đình Đông (Đệ Tam), đình Đỏ (thôn Liễu Nha). Đến nay đã có 2 di tích được hoàn thành là đền Lựu Phố và đền Trần Thừa, các di tích còn lại đang được khẩn trương hoàn thành; 2 di tích còn lại đang được Ban quản lý di tích xã đề nghị bổ sung trùng tu gồm đền Lộc Quý (thôn Lốc) và phủ Văn Hưng (thôn Văn Hưng).
Hiện, Ban quản lý di tích xã đã làm xong hồ sơ đề nghị các ngành chức năng xét duyệt một số khu di tích chưa được xếp hạng gồm: chùa La (thôn La), chùa Mai Hương (thôn Cấp Tiến I), chùa Côi Sơn Tự (Đệ Tam); đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh cho đền Đỏ và đền Khổng Tử (thôn Liễu Nha), phủ Văn Hưng (thôn Văn Hưng)./.
Bài và ảnh: Viết Dư