Hiện nay, bất cứ ai có dịp đi qua các làng nghề đều dễ nhận thấy đời sống, kinh tế của người dân đã được nâng lên rất nhiều, ngược lại, môi trường sinh thái ngày càng xuống cấp, sản phẩm truyền thống đang nhường chỗ cho các mặt hàng thị trường kém chất lượng, lai tạp làm cho uy tín, hình ảnh của các làng nghề bị ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững nghề truyền thống, giữ gìn nét đẹp môi trường, văn hóa đặt ra nhiều thách thức cho các làng nghề ở nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Các sản phẩm truyền thống đã nuôi sống người dân từ bao đời nay không phải là không có chỗ đứng, có điều làm hàng truyền thống vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối mà chỉ đủ ăn, làm hàng theo thị trường bây giờ nhanh giàu nhưng nếu không thức thời, năng động thì cũng không bằng làm hàng truyền thống.
Một nghịch lý nữa ở các làng nghề là đằng sau sự phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng, mức sống người dân,… thì môi trường ngày càng xuống cấp, những nét đẹp truyền thống đang dần mất đi, thay vào đó là văn hóa đô thị xâm nhập vào cùng với lối sống thực dụng làm cho bộ mặt các làng nghề có nhiều thay đổi theo xu hướng đáng lo ngại.
Thực tế ở các làng nghề hiện nay là sự phát triển thiếu định hướng, chạy theo kinh tế mà không giữ được bản sắc riêng cũng như chất lượng, uy tín sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ chế và sự buông lỏng quản lý, hệ thống luật chưa được quan tâm… đã làm cho làng nghề ở vào tình trạng “trăm hoa đua nở mà hoa nào cũng… dở”. Những làng nghề không có điều kiện phát triển thì có nguy cơ bị mai một.
Làng nghề Đào Khê, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) trưng bày giới thiệu sản phẩm nón lá tại Hội chợ Triển lãm làng nghề Việt Nam 2012 tại Nam Định. Ảnh: Việt Thắng |
Một số vấn đề đang tồn tại hiện nay, đó là: phát triển làng nghề không đi đôi với bảo tồn (trước đây thì ngược lại: chúng ta chú trọng bảo tồn mà không coi trọng đổi mới), các mặt hàng mới, các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhanh chóng được áp dụng và cũng chóng lãng quên truyền thống, chạy theo thị hiếu nhất thời, hoặc vì mục đích kinh tế. Các doanh nghiệp phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, một sản phẩm bán chạy thì ngay lập tức có mặt ở khắp nơi với những mẫu mã hao hao như nhau, nhưng không thấy ai bị xử phạt, lối suy nghĩ “một người vì mọi người” như vậy được cho là chuyện bình thường đã bắt rễ từ lâu trong suy nghĩ người dân.
Cùng với đó, hệ thống luật chưa được quan tâm; người dân và chính quyền chưa nhận thấy tầm quan trọng của luật đối với sự phát triển thương hiệu cũng như hình ảnh của làng nghề. Môi trường tự nhiên, xã hội bị ô nhiễm cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách du lịch, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Cuối cùng vấn đề cơ bản và quan trọng nhất vẫn là sự quản lý của các cấp chức năng, theo quan sát, ở nơi nào chính quyền quan tâm, sự phối hợp giữa người dân và chính quyền chặt chẽ thì nơi đó kinh tế, xã hội ổn định và phát triển.
Để tháo gỡ tình trạng hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát triển phải được coi trọng ngang nhau, thực hiện từng bước và khoa học. Trước hết về nhận thức, mọi người dân cần hiểu bảo tồn và phát triển là hai mặt của một vấn đề, không thể bảo tồn được nếu không có đổi mới, phát triển và ngược lại, bỏ quên truyền thống sẽ không phát triển được. Nếu chỉ khư khư bảo tồn thì là bảo thủ, nếu chỉ chú trọng phát triển sẽ mất gốc và không bền vững. Truyền thống đi đôi với hiện đại, bảo tồn đi đôi với phát triển như chân phải và chân trái, muốn đứng được phải có cả hai chân. Vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển như thế nào để vẫn giữ được truyền thống mà vẫn không tụt hậu và theo kịp được sự phát triển chung của quốc gia và khu vực. Điều này cần có sự tập trung nguồn lực và trí tuệ của mọi người mới có thể tìm ra được hướng đi trong tương lai. Biện pháp giải quyết cần tổng thể và phải xác định đâu là yếu tố then chốt để thực hiện cho hiệu quả. Trước hết, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chúng ta cần bảo tồn các yếu tố truyền thống, khuyến khích và tôn vinh các giá trị cổ truyền, truy tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, hỗ trợ để nâng cao cuộc sống và điều kiện làm việc của họ, xây dựng nhà bảo tàng lưu giữ những sản phẩm truyền thống cho các thế hệ sau tránh khỏi nguy cơ bị mai một, tổ chức các cuộc thi tìm ra những thợ giỏi để trao giải động viên khuyến khích họ.
Thứ hai, xây dựng hệ thống luật pháp cụ thể, nghiêm minh, phổ biến cho mọi người dân ý thức chấp hành và tôn trọng luật, có như vậy sản phẩm làm ra sẽ không bị làm nhái, làm giả và ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, quan tâm và xây dựng văn hóa quản lý để tập hợp mọi nguồn lực, điều chỉnh, khắc phục những vấn đề tồn tại ở làng nghề.
Thứ tư, cải thiện môi trường tự nhiên, xã hội thu hút khách tham quan, du lịch thúc đẩy thương mại, kinh tế phát triển; tuyên truyền nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân về nghề truyền thống của cha ông, làm cho họ hiểu được: nghề truyền thống chính là hồn cốt, tinh thần và cũng là cuộc sống lâu dài của người dân bao đời nay, nếu không giữ gìn được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ và các thế hệ mai sau.
Thứ năm, vấn đề ở tầm vĩ mô, đó là nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho người dân và cả những người làm công tác quản lý như nhà văn Lỗ Tấn đã từng quan niệm: mỹ thuật là gốc của kinh tế và đạo đức.
Có như vậy mọi người mới nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa tinh thần và vẻ đẹp của các giá trị truyền thống, từ đó họ có thể góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa của cha ông để lại. Nếu không hiểu ý nghĩa, vẻ đẹp của sản phẩm truyền thống nằm ở chỗ nào thì chắc chắn không thể sáng tạo ra những sản phẩm tốt, mang bản sắc của làng nghề./.
Theo baovanhoa.vn