Cách đây vừa tròn 750 năm, “Mùa xuân, tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), Vua Trần Thánh Tông cho đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường, xây cung Trùng Quang để Thượng hoàng ngự, cung Trùng Hoa để các vua nối ngôi ngự khi về chầu Thượng hoàng. Lại làm chùa Phổ Minh” (Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư) để Thượng hoàng cùng vương tôn, công nữ ngày ngày dâng hương niệm Phật. Từ đó, Nam Định quê hương ta, bao gồm Thiên Trường và các phủ, huyện phụ cận, mặc nhiên trở thành kinh đô thứ hai của vương triều Trần. Mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy có vị thế địa văn hoá đặc biệt, vốn đã đẹp bởi núi thiêng (dãy Tiên Hương, Thiên Bản, tương truyền là nơi có tiên ở) sông dài (sông Đáy, sông Ninh, sông Hồng đỏ nặng phù sa), đồng bãi trù mật, giờ lại đẹp bởi phong vị đế hương chẳng thua kém chốn thần kinh (Thăng Long).
Ba phần tư thiên niên kỷ qua, đã có nhiều áng thơ văn viết về mảnh đất Thiên Trường của các danh gia Trần Nhân Tông, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Vĩnh Trinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Ở đây xin nói về vẻ đẹp Phủ Thiên Trường trong thơ Trần Nhân Tông, nơi hội đủ cả ba vẻ đẹp: vẻ đẹp phồn hoa chốn đế kinh, vẻ đẹp thơ mộng của miền quê thanh bình, vẻ đẹp tâm linh một vùng non nước Phật.
1. Vẻ đẹp phồn hoa đô hội
Cũng theo Ngô Sĩ Liên, không đợi đến năm 1262, công việc xây dựng hành cung Thiên Trường mới diễn ra tấp nập. Ngay từ “Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1239), tháng Giêng, Trần Thái Tông đã ban cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó. Sai (Chu) về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện”. Và thế là lâu đài, điện các, hoa viên mọc lên. Sông Vĩnh Giang quanh co uốn lượn, ôm ấp xóm thôn trù phú. Soi bóng xuống dòng sông trong xanh là vườn lựu đỏ rực (Lựu phố), những tháp quất vàng tươi, những hàng liễu biếc (Liễu Nha). Cảnh đẹp ví như “cõi tiên” đó đã được Trần Nhân Tông ghi lại trong thiên ký sự - thơ “Hạnh Thiên Trường hành cung”:
Cảnh thanh u, vật thanh u
Một trong mười một tiên châu ngọc ngà
Trăm loài chim tấu nhạc ca
Nghìn hàng quất ấy như là tôi con
Trăng nhàn soi bóng người nhàn
Nước trong ngậm sắc muôn vàn trời thu
Bốn phương trong, lắng bụi mù
Năm nay hơn hẳn năm xưa chốn này (1)
Bài thơ được viết khi nhà vua về Thiên Trường bái yết Thượng hoàng Thánh Tông, mùa thu năm Kỷ Sửu (1289). Lúc này, những ngày chinh chiến đã qua, đất nước đã có hai mùa thu thanh bình. Cảnh trí quê hương đơn sơ mà lộng lẫy, thân quen mà quý phái, sang trọng. Một “châu tiên” với lầu điện san sát. Bên lầu son gác tía có treo những lồng chim cảnh (oanh, yến, khướu, họa mi, anh vũ, bách thanh…) luôn ríu ran tiếng chim hót, như tiếng sênh, phách, đàn, sáo của những khúc nhạc cung đình. Trong vườn bên lối dẫn vào tiền sảnh là những chậu quất lá xanh, quả vàng được uốn tỉa như dáng người nô bộc hướng về vương chủ. Xa xa là sông trong, trăng sáng… Tất cả được bao phủ trong bầu không khí thanh bình. Nhà vua tưởng như đi giữa cõi tiên, niềm vui lâng lâng bất tận trước cảnh thiên hạ thái bình, sau “hai phen non sông chồn ngựa đá”. Tiết tấu thơ gợi cái thế ung dung, thư thái của những bước chân ngao du trên non nước bình yên, nơi đế kinh phồn hoa đô hội.
Tháp Phổ Minh. |
2. Vẻ đẹp thơ mộng thanh bình
Vẻ đẹp này ta tìm thấy trong bức tranh thơ “Thiên Trường vãn vọng”:
Sau thôn, trước xóm khói lồng
Như không, như có chiều buông ánh tà
Trâu về, sáo mục ngân nga
Từng đôi cò trắng là là đồng xanh (2)
Quê hương yêu dấu với những làng mạc thuần hậu đã in đậm vào tâm trí Trần Nhân Tông, nhất là sau khi Người truyền ngôi cho con, lên làm Thượng hoàng, rời Thăng Long, về cung Trùng Quang, nửa coi việc đời, nửa gửi mình vào cõi Phật. Một chiều ngắm cảnh Thiên Trường, có thể là trước khi thiền định. Cảnh sắc trong veo chốn đồng quê đã làm “bừng ngộ” trong Thượng hoàng một tứ thơ - “Ở Thiên Trường ngắm cảnh chiều” (Thiên Trường vãn vọng). Đây là bài thơ “Đồng nội” toát lên ý vị Thiền. Bài thơ mở ra một cảnh quan đồng quê quen thuộc với xóm thôn trù mật trong khói lam chiều.
Sau thôn, trước xóm khói lồng
Như không, như có chiều buông ánh tà
Giữa cái lờ mờ sương khói trong bóng chiều bảng lảng “nửa có nửa không” lại gợi ta nghĩ đến diệu lý “sắc không” nhà Phật. Điền viên thi ở đây hoà nhập với Thiền thú thi. Một đặc điểm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là tu hành mà không lánh đời, thoát tục, theo phương châm “cư trần lạc đạo”. Vì thế câu chuyển và câu kết bài thơ lại đưa ta về với con đường lúc này đã quạnh vắng và cánh đồng lúa xanh, ngân nga tiếng sáo mục đồng, chấp chới cánh cò bay liệng, những giai điệu và những hoà sắc của quê hương thanh bình.
Trâu về, sáo mục ngân nga
Từng đôi cò trắng là là đồng xanh
Cấu trúc bài thơ giống như một cánh diều, nửa trên bay vút lên bầu trời Tiên Phật, nửa dưới là sợi dây níu giữ với trần thế. Trong chúng ta, ai đã không một lần đi giữa đồng lúa quê hương, thả hồn thư thái trong hương thơm lúa thì con gái, đôi mắt ngất ngây dõi theo những cánh cò chấp chới chở nắng chiều? Và như thế, hẳn phải thốt lên bái phục thi sĩ Trần Nhân Tông đã để lại cho đời một bức tranh thơ tuyệt diệu.
3. Vẻ đẹp văn hoá tâm linh
Cuối thế kỷ 13, do công quả tu hành của Trúc Lâm đại đầu đà Trần Nhân Tông, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành giáo phái Phật Đại thừa thống nhất của dân tộc Đại Việt. Thiên Trường với Phổ Minh Tự trở thành trung tâm Phật giáo thứ hai, sau Hoa Yên - Yên Tử. Nơi đây bao tăng ni, Phật tử tìm đến. Nơi tấp nập những ngày lễ trọng, những kỳ kiết hạ, thuyết pháp, giảng kinh. Một vẻ đẹp văn hoá tâm linh đã bừng hiện ở chốn này. “Thiên Trường Phủ” là bài thơ hay toát lên vẻ đẹp đó:
Hồng thưa, lục rậm vắng hiu
Mây quang, mưa tạnh, bóng rêu lờ mờ
Giảng xong sư trở về chùa
Quán sông, canh một, trăng nhô lên cầu
Ba mươi cung tiên nhiệm mầu
Tám nghìn bóng tháp xuân triều, nước lên
Phổ Minh phong cảnh xưa in
Trong mơ còn thấy bóng hình Tiên vương (3)
Bài thơ được Thượng hoàng Nhân Tông viết trong những ngày tu tập ở Thiên Trường - Phổ Minh Tự. Cảnh chuyển động cứ như một cuốn phim. Thời điểm vào mùa hè, bắt đầu kỳ kiết hạ. Lúc này hoa xuân đã tàn, sắc màu muôn hồng nghìn tía đã thưa vắng, nhường chỗ cho những tán lá xanh um của cây cối vào hè. Những trận mưa mùa hạ đã rửa sạch sân rêu, những lối đi vào chùa. Cảnh được miêu tả chính xác đến từng chi tiết (“thổ hoa tiêu”, rêu đã được nước mưa cuốn đi, sân chùa chỉ còn in lại những đám lờ mờ). Tiếp theo “cảnh” là “sự”. Buổi giảng tập ban chiều đã kết thúc. Hoà thượng đã lui về tăng viện, cũng là lúc canh một, trăng thượng huyền nhô lên trên những chiếc cầu đá dẫn vào chùa Phổ Minh. Chúng sinh tụ tập về đông, giường ngủ kê la liệt trong các hành lang, giải vũ. Hương đã được thắp trăm nén, nghìn nén, thành kính dâng lên Phật điện, các tháp quanh chùa. Những đốm hương cháy đỏ, hằng hà sa số, nhấp nháy lay động như muôn vì sao sa, như ánh lân tinh đầu sóng lúc thủy triều lên. Kết thúc bài thơ là “tình”. Một niềm kính hiếu trào dâng khi Thượng hoàng tưởng nhớ đến vua cha trước đây, khi Thánh Tông về ngự ở cung Trùng Quang. Nay Tiên vương không còn nữa. Bao xót xa, thương cảm. Một kết thúc đầy âm hưởng.
Có một bài tuyệt cú thật hay cũng được Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông làm trong dịp này, bài “Đề Phổ Minh tự thuỷ tạ”.
Nghìn hương thơm toả khắp nhà
Dòng khơi chớm lạnh thoảng qua phía ngoài
Bóng đa, chùa vắng, cửa cài
Tiếng ve man mác ai hoài tứ thu (4)
Đây cũng là một bức tranh đẹp, đúng hơn là một mô hình kiến trúc có ý nghĩa chứng tích mà Trần Nhân Tông để lại cho đời. Nhà thuỷ tạ của chùa Phổ Minh nay không còn nữa. Chỉ còn dấu vết ở con suối cạn và hai cái ao sen trong khuôn viên của chùa… Mở đầu bài thơ là không khí trang nghiêm, nghìn nén hương được thắp dâng lên các ban thờ Tam Bảo, Chư Phật khiến khu nội điện, tăng thất ngập trong hương trầm thơm ngát. Dưới sàn thuỷ tạ, dòng mương mới khơi toả hơi nước, vào đầu thu còn chưa lạnh lắm. Cảnh chùa tĩnh vắng, không một bóng người. Cái “thần” bài thơ là ở câu kết, Trần Nhân Tông dùng thủ pháp quen thuộc của thơ ca trung đại, lấy “động” tả “tĩnh”: cả không gian vắng lặng bỗng vẳng lên một tiếng ve. Tiếng ve rớt lại của mùa hạ bất chợt vang lên, rồi lặng tắt, để lại cái im ắng của khuôn viên chùa Phổ Minh lúc thu sang, êm đềm và lặng lẽ… Cứ thế, thu tứ dâng lên trong tâm hồn Phật tử - thi nhân Trần Nhân Tông. Bài thơ có cái thanh đạm dịu êm của bức tranh thuỷ mặc, hoà hợp với vẻ đẹp văn hoá - tâm linh một vùng non nước Phật.
Thi sĩ chân chính là người ca hát non sông đất nước. Quê hương Thiên Trường muôn quý ngàn yêu vốn đã đẹp càng lung linh toả sáng trong thơ Trần Nhân Tông. Tất cả, trong dịp đại lễ 750 năm này, dường như đang cất lên tiếng nói với muôn đời con cháu: Hãy làm gì đây? Phải làm gì đây để giữ gìn và phát huy cái đẹp ấy, để di dưỡng tinh thần cho muôn triệu con dân đất Việt đời đời?
28-7-2012
NGƯT Đỗ Thanh Dương
.......................
(1), (2), (3), (4): Thơ chữ Hán Trần Nhân Tông, Đỗ Thanh Dương dịch.