Trực Ninh quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương

09:10, 15/10/2012

Huyện Trực Ninh có hơn 200 di tích kiến trúc gồm: đình, chùa, đền, miếu, từ đường dòng họ..., trong đó có 5 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 30 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc như: Chùa Cổ Lễ, tam quan Cự Trữ, chùa Cổ Chất, Ba đồn binh thời Trần, chùa Ninh Cường... Chùa Cổ Lễ thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không; trước chùa có cây tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa" cao 32m, 9 tầng hoa sen; kiến trúc và phong cảnh chùa có dáng vẻ, sắc thái độc đáo. Chùa Cự Trữ, làng Cự Trữ (xã Phương Định) là ngôi chùa có kiến trúc đẹp; đặc biệt, tam quan chùa Cự Trữ hiện vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18. Trên các trụ, kèo, xà dọc tam quan là các mảng chạm khắc mang phong cách dân gian và dáng dấp của cuộc sống thôn dã bình dị qua các mảng chạm khắc người nông dân chăn trâu, cò bắt mồi, người mẹ cho con bú..., thể hiện đời sống tinh thần phong phú, giàu trí tưởng tượng của cha ông ta xưa về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Đền - chùa Cổ Chất, làng Cổ Chất (xã Phương Định) là công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thời Hậu Lê thế kỷ 17-18 và thời Nguyễn thế kỷ 19. Theo thần phả của làng, chùa thờ Phật, đền thờ các vị Thánh tổ có công khai phá và dựng làng Cổ Chất. Ba đồn binh thời Trần nay là ba ngôi đền: đền Xối Đông thượng, đền Xối Đông trung và đền Xối Đông hạ thuộc xã Trung Đông. Khi xưa ba ngôi đền này là ba đồn hình thành cụm căn cứ liên hoàn, án ngữ bờ nam sông Hồng, phòng ngừa quân giặc, nay thờ các tướng Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương Long. Năm 1995, cụm di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh).
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh).

Cùng với sự đa dạng các di tích lịch sử - văn hoá, mỗi năm trên địa bàn huyện Trực Ninh có hàng chục lễ hội truyền thống gắn với di tích được tổ chức. Gắn với các lễ hội truyền thống, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được bảo lưu, gìn giữ song song với sự hình thành, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống. Hằng năm, từ 13 đến 16 tháng 9 âm lịch, lễ hội chùa Cổ Lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Hiện lễ hội chùa Cổ Lễ là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa, thể thao cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... Gắn với di tích chùa Cự Trữ là lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và có nhiều trò chơi dân gian khác. Hằng năm vào ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch, làng Cổ Chất mở hội đón dân làng và khách thập phương tới dâng hương các vị thành hoàng, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng làng quê cho con cháu hôm nay. Trong lễ hội, dân làng nô nức rước kiệu, thi bơi chải và các trò chơi dân gian chọi gà, đánh đu, cầu cho một mùa tơ vàng, mùa lúa bội thu và nhà nhà an khang thịnh vượng. Các hoạt động "hội" trong lễ hội làm phong phú hơn giá trị di sản văn hóa của huyện Trực Ninh. Vào những ngày mở hội, cùng với những nghi lễ trang nghiêm, thành kính, lễ hội trở nên sôi động hơn với những trò chơi dân gian như bắt vịt dưới ao, đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng, cờ người, rồi tiếng trống chèo rộn rã với các tích chèo cổ. Cứ như thế, hằng năm, lễ hội gắn với di tích ở huyện Trực Ninh đã trở thành nét văn hoá truyền thống mang sắc thái riêng độc đáo. Đó là những đêm hội rước kiệu ngợp trong ánh đuốc lung linh của hội làng Cự Trữ, những cánh đu bay bổng cao vút trong không trung của hội làng Cổ Chất, các cuộc thi bơi chải náo nhiệt trong muôn tiếng hò reo, trống thúc trong lễ hội chùa Cổ Lễ mỗi độ thu về.

Để khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, những năm qua, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với việc khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống của quê hương. Tại các lễ hội truyền thống, nhiều hình thức diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian được duy trì, khôi phục như bơi chải, thổi cơm thi, bắt chạch trong chum ở lễ hội chùa Cổ Lễ... Lễ hội tại các xã Trực Cường, Trực Phú, Trực Thái, Trực Hùng cũng phát huy tốt vai trò của các đội múa, đội trắc, trống, kèn đồng trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Việc quan tâm bảo tồn, tôn tạo, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống thông qua việc tổ chức các lễ hội ở huyện Trực Ninh đã góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Bởi, văn hoá truyền thống chính là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống tinh thần của nhân dân, để từ đó người dân trong huyện tiếp tục sáng tạo ra các giá trị văn hoá mới, làm phong phú đời sống tinh thần, tạo sức mạnh nội lực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Minh thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com