Thành Nam “Làng cổ, phố nghề”

08:10, 09/10/2012

Thành Nam xưa có nhiều làng cổ nổi tiếng về địa văn hoá, chính trị và thuần phong, mỹ tục, tập quán cao đẹp. Đồng hành cùng lịch sử phát triển dân tộc, ở Thành Nam xưa, cộng đồng dân cư sinh sống và lập nghiệp, hình thành nên hai loại phố cơ bản: những đường phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và phố có nghề thủ công truyền thống. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở nơi đây mang ý nghĩa bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hoá của đất và người Thành Nam.

Vóc dáng làng xưa…!

Qua những chặng đường lịch sử (từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19), cũng như Hà Nội, Huế, Thành Nam xưa phát triển theo mô hình: từ “Làng” lên “Đô” rồi lên “Thị”. Khi mới là một doi đất, một xóm chài nhỏ bé của Phủ Thiên Trường, nơi phát tích của vương triều Trần, vào những năm tháng chống quân xâm lăng phương Bắc thế kỷ 13, trên dải đất này, đã bao nhiêu trai tráng đồng tâm, đồng lòng thích vào cánh tay vạm vỡ hai chữ “Sát Thát”, cầm gươm ra trận. Đến khi Tức Mặc được đổi tên thành Phủ Thiên Trường, cho xây dựng cung Trùng Quang, Trùng Hoa, Đệ Nhất, Đệ Nhị… thì vùng đất này được coi như một Hành cung - kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Do đó, Thành Nam xưa có nhiều làng cổ nổi tiếng về địa - văn hoá, chính trị và phong tục tập quán mang vóc dáng riêng, độc đáo như: làng Vỵ Hoàng, làng Phù Long, làng Năng Tĩnh.

Làng Vỵ Hoàng thời vương triều Trần là một quân doanh quan trọng (năm 1865, Vua Tự Đức đổi làng Vỵ Hoàng thành Vỵ Xuyên), gồm có các thôn: Thi Hạ, Khoái Đồng, Lộng Đồng, Thi Thượng, Hậu Đồng. Bản sắc và truyền thống của người Vỵ Hoàng nổi danh là đất khoa bảng, trong đó có nhiều bậc khoa bảng, các vị danh nho nổi tiếng về tài thi phú. Bà Trần Thị Trâm (292 phố Minh Khai, TP Nam Định) là người gốc xóm Thạch Kiều, thôn Thi Thượng, làng Vỵ Hoàng. Sinh thành và lớn lên rồi chứng kiến biết bao bước đổi thay của vùng đất hiếu học, nhưng trong tâm thức của bà luôn in dấu huyền tích và truyền thống của quê hương: “Bao giờ rừng trúc tiêu điều. Vỵ Hoàng hết nước, Thạch Kiều hết quan”. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Trâm cho biết: làng Vỵ Hoàng có 4 dòng họ lớn là Trần, Phạm, Vũ, Nguyễn có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to. Tiêu biểu như Tam nguyên Trần Bích San, năm 1864, ông đỗ đầu liền 3 khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình, được Vua Tự Đức khen ngợi “Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu. Tam nguyên liên trúng quốc triều vô” (Một lần đi thi đỗ, thiên hạ thường có. Đỗ đầu liền ngay cả ba khoa thi, trong triều chưa có). Hay nhà nho Vũ Công Độ, đỗ Tiến sỹ năm Minh Mạng thứ 13 được phong Bố chánh Thái Nguyên; Võ Hoàng Phát, Trần Dương Quang, Trần Doãn Đạt là người có tài trí, đức độ, sau khi đỗ đạt đều là những vị quan thanh liêm, vì dân, vì nước, được người đời kính trọng, nể phục. Đất Vỵ Hoàng còn nổi tiếng là đất văn chương, thi phú với nhiều tên tuổi lớn như Trần Tế Xương, Vũ Công Tự, Phạm Đức Kế, Nguyễn Hồng Dương, Phạm Ưng Thuần. Nhắc tới làng cổ trên đất Thành Nam xưa phải kể tới vùng quê được mệnh danh là đất “Nổi Rồng” - đó chính là làng cổ Phù Long - mà mỗi địa danh, tên đất, tên người đã đi vào ca dao: “Em là con gái Phù Long. Quê em Cồn Vịt lấy chồng Vườn Dâu. Dù đi buôn đâu, bán đâu. Cũng về giữ đất trồng dâu nuôi tằm”. Xưa kia, khi Vua Minh Mạng chưa cho khai con sông Đào, làng Phù Long trải rộng sang cả đất Vỵ Khê, Vạn Diệp nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, hoa tươi, cây cảnh chuyên để phục vụ cung Thiên Trường. Các giống hoa được chọn lựa chuyên trồng phải là giống hoa quý, tượng trưng cho nét đẹp sang trọng, quyền uy như: Hải đường, Dạ quyên, Thuỷ tiên, Ngọc lan, Tùng La Hán, Bạch ngọc, Trà xâm… Cùng với thời gian, thú chơi hoa, cây cảnh đã vượt ra khỏi cung đình, ăn sâu vào nếp sinh hoạt của “Tứ dân” (sỹ, nông, công, thương), trở thành sản phẩm hàng hoá, dùng để trao đổi, mua bán trong các phiên chợ vùng, làng góp phần tạo nên những mỹ tục cao đẹp của đất và người Thành Nam.

Nếu như đất và người Vỵ Hoàng trọng “Tước” thì nếp sống của cộng đồng cư dân làng “Nổi Rồng” lại trọng “Xỉ”, được cụ thể ở tục yến lão, lễ mừng thọ trong mỗi dịp tân xuân với mục đích, ý nghĩa nhằm tỏ đạo “Uống nước nhớ nguồn” đối với người cao tuổi. Ca dao xưa của làng Phù Long thường xuất hiện hình ảnh “Ung dung gậy trúc chống đi/ Áo choàng chấm gót, mũ ni che đầu/ Cụ ơi cụ sắp đi đâu/ Ra đình yến lão tiệc chầu vua ban”. Thông thường, dịp yến lão, cả làng tưng bừng nhộn nhịp như ngày hội. Trong tiếng chiêng, tiếng đám rước được tiến hành đúng theo nghi thức cổ truyền. Lão trăm tuổi được rước võng điều che 4 lọng xanh, lão 90 tuổi được rước 2 lọng xanh, lão 80 tuổi được rước võng xanh đòn cong 1 lọng. Trong buổi lễ, cha mẹ mặc quần áo đỏ thêu chữ “Thọ” trên ngực, ngồi trên vị trí trang nghiêm.

Bến sông Đào, thế kỷ XIX. Ảnh: Internet
Bến sông Đào, thế kỷ XIX.
Ảnh:
Internet

Tài hoa… “kẻ chợ”

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, Thành Nam xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế, xã hội, xứng với vị thế trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng: “Thành Nam cảnh trí an bài. Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông. Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông. Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng. Hàng Dầu, Hàng Lạc, Hàng Vừng. Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen. Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm. Gặp nhau Bến Gỗ vui sân một nhà. Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa. Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng”. Trải qua 750 năm hình thành và phát triển, Thành Nam thực sự là nơi “đất lành, chim đậu”, quy tụ nhiều cư dân từ các miền về sinh sống và lập nghiệp; và các dòng họ mọi miền về đây mang theo những nghề truyền thống độc đáo, kết tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú. Do đó, Thành Nam xưa được mệnh danh là “kẻ chợ”, cộng đồng dân cư sinh sống và lập nghiệp theo phương cách “buôn có bạn, bán có phường”, hình thành nên hai loại phố cơ bản: những đường phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và phố có nghề thủ công truyền thống.

Kiến trúc sư Nguyễn Đăng Trình, là tác giả của cuốn sách “744 năm kiến trúc Thành phố Nam Định”; trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, theo ông, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến và sự đa dạng sản phẩm nghề thủ công của đất và người Thành Nam có “cá tính” từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở nơi đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà nó là những sản phẩm có tính văn hoá mang ý nghĩa bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Thành Nam từ bao đời nay. Những chủ nhân của các sản phẩm độc đáo ấy không chỉ là người gốc Thiên Trường, mà còn là sự hợp tụ của những người thợ tài hoa trên khắp các vùng miền và cả trấn Sơn Nam Hạ tìm về đây sinh sống, lập nghiệp, hành nghề. Phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp - một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm; những người thợ vừa quay tơ, vừa dệt vốn gốc làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Phúc (Hà Tây). Còn phố Hàng Tiện, thời thịnh vượng có hơn 40 hộ thuộc 9 dòng họ làm nghề tiện có tay nghề giỏi về mộc, chạm khắc từ làng Chôm (Hà Tây) và những người thợ gốc La Xuyên, Cát Đằng xưa là đất Vọng Doanh (Ý Yên). Phố Hàng Khay nổi tiếng với mặt hàng sập gụ, tủ chè, tủ ba buồng bằng gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ mun quý giá, trong đó, nổi bật là các sản phẩm tủ chè thường có bộ “lèo” là một dải hoa văn được khắc ở ngoài cửa kính, được chạm khắc theo các đề tài. Người thợ khảm ở phố Hàng Khay phần đông là gốc làng Chuyên Mỹ có tay nghề, thẩm mỹ, khéo chọn chất liệu từ thao tác tách vỏ trai, cưa dũa, mài khảm, lắp hình đến việc tạo thẩm mỹ theo chủ đề: Tứ linh (long, ly, quy, phượng); Tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai); Tích cổ (Chiêu quân cống Hồ, Trúc Lâm thất hiền…). Qua chợ Rồng là đến phố nghề Hàng Nón, Vải Màn, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Hàng Giầy. Các hộ dân ở phố Vải Màn là dân làng Dịch Diệp (Trực Ninh), làng Thịnh, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), làng Hoa Chiểu, Tiên Lữ (Hưng Yên). Ngoài các sản phẩm chăn, màn, họ còn sản xuất các loại khăn xếp bằng lượt, nhiễu. Bên cạnh Hàng Sắt là phố Hàng Đàn, ban đầu chỉ bán các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, nhị, sáo. Sau đó, những người thợ từ làng Cao Đà, Lý Nhân (Hà Nam) đến sinh sống, làm ra các mặt hàng nổi tiếng: ngai, bài vị, hương án, cuốn thư, hoành phi, câu đối. Phố Hàng Mành chủ yếu là người làng Đỗ Xá (Nam Trực), sau khi học nghề từ Giới Tế, Yên Phong (Hà Bắc) về đây định cư. Sản phẩm mành nứa ở đây được dệt bằng sợi móc, nan nhỏ, đều, mành hanh vàng nên không bị mưa làm ải, có độ bền. Mành còn được sơn nhiều màu sắc, dùng làm nội thất gia trang trí.

Bên cạnh những phố nghề thủ công, Thành Nam xưa là trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất, nhất là vào thế XIX, sau khi Vua Minh Mạng cho đào con sông nối liền giữa sông Hồng và sông Đáy. Bên cạnh những phố buôn bán, Thành Nam xưa còn có các khu chợ “đầu mối”, là nơi giao thương nổi tiếng, thu hút các thương lái từ các tỉnh trong cả nước. Chợ Rồng ra đời dưới thời Vua Tự Đức, tương truyền, tên chợ được đặt tên chữ “Long” - con vật đứng đầu hàng Tứ linh; vào năm 1890, chợ Rồng được tu sửa, mở rộng, được coi là trung tâm thương mại lớn thứ hai khu vực Bắc Kỳ (sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội). Ngoài ra còn có chợ Đò Chè, chợ Vỵ Hoàng, chợ Cửa Trường, chợ Năng Tĩnh có đặc thù riêng về mặt hàng, sản phẩm và kiến trúc; là địa chỉ giao thương quan trọng giữa Thành Nam với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc. Sau khi xâm chiếm, nhận thấy vị trí “địa lợi”, thực dân Pháp đã xây dựng Nam Định trở thành thành phố trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của miền Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng). Năm 1897, thực dân Pháp cho nạo vét sông Đào, sau đó, khánh thành đường xe lửa tuyến Hà Nội - Nam Định, mở mang hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện… Các sản phẩm dệt may, tơ tằm, đặc biệt là “Sa tanh Nam Định” trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài.

Trải qua 750 năm “xây móng” với biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đất và người Thành Nam hôm nay đang vươn mình nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Bên những khu phố cổ là những ngôi nhà cao tầng hiện đại; cái cũ, cái mới đan xen kết tạo nên bộ mặt Thành Nam một vẻ đẹp riêng biệt. Vẫn còn đó những con phố tường mái rêu phong, những tên làng, tên phố đã đi vào sử sách, đồng hành cùng thời gian. Bởi vậy, khách phương xa, dù một lần đến thăm thành phố Dệt Anh hùng, sau mỗi cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người dân sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng riêng cho mình./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com