Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên và nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn để tổ chức và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá tâm linh. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 di tích lịch sử văn hoá; trong đó có 77 di tích được công nhận cấp quốc gia, 214 di tích được tỉnh công nhận. Hệ thống các di tích nằm rải rác ở khắp 229 xã, phường, thị trấn, bao gồm các loại hình: di tích khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng, tôn giáo. Không chỉ đa dạng về mặt số lượng, hệ thống di tích ở tỉnh ta là sự “kết tinh” của nhiều hệ văn hóa, góp phần tạo nên những giá trị di sản văn hoá phong phú và độc đáo. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hoá thường gắn với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng Xuân (Vụ Bản), lễ Khai ấn Đền Trần, lễ hội Trần (TP Nam Định), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội Hoa làng Vị Khê, lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Keo Hành Thiện, lễ hội làng An Khê (Xuân Trường), lễ hội chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Việc tổ chức tốt các lễ hội có quy mô về không gian, về thời gian như lễ hội Phủ Dầy, Đền Trần, chợ Viềng... tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khai thác phục vụ khách du lịch. Những hoạt động văn hóa truyền thống như: biểu diễn rối nước, hát văn, đi cà kheo, bơi chải, thi bắt vịt, cọ lửa, thổi cơm thi... được tổ chức trong các dịp lễ hội luôn được các cơ sở du lịch lữ hành làm tua đặc biệt quan tâm vì tính độc đáo, đặc trưng riêng có của tỉnh. Trên nền tảng văn hóa tâm linh, các lễ hội mở ra trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp tiêu biểu của quê hương Nam Định. Không chỉ phong phú về hệ thống di tích danh thắng, lịch sử, văn hóa, tỉnh ta hiện có 7 di tích lịch sử cách mạng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Cột cờ, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy Dệt, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Nhà số 7 phố Bến Ngự. Điều này cho thấy sự phong phú về bản sắc văn hóa trong hệ thống di sản văn hóa của quê hương Nam Định, đồng thời các di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa như những “nhân chứng sống” thể hiện truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của nhân dân Thành Nam qua các thời kỳ lịch sử, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Ảnh: Internet |
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo. Nhiều lễ hội truyền thống gắn liền với các nghi lễ tín ngưỡng dân gian, các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống được khôi phục, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước tham gia. Tiêu biểu như huyện Xuân Trường có 165 công trình kiến trúc độc đáo, trong đó có 29 di tích lịch sử được công nhận xếp hạng bảo vệ tôn tạo cấp tỉnh và 9 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), đền Xuân Bảng (Xuân Hùng), Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Hồng), đền, chùa Kiên Lao (Xuân Kiên), đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong)… Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 3 năm trở lại đây, huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo hàng chục di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân theo chủ trương xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng được đầu tư, tôn tạo với số tiền trên 16 tỷ đồng. Chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường được khởi công tu sửa tôn tạo vào ngày 22-4-2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, phần lớn do nhân dân địa phương và con em xa quê hương đóng góp. Chùa Trung, xã Xuân Trung cũng vừa hoàn thành trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ngoài việc trùng tu di tích, các địa phương trong tỉnh và các ngành hữu quan cũng đẩy mạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường, làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế khảo sát các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hóa với các khu, điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái của tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch, các dự án đầu tư hạ tầng du lịch ở tỉnh ta đang tích cực được triển khai thực hiện như: Hoàn thành dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường vào Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và khu du lịch, lễ hội chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tuyến du lịch bến Hữu Bị - Đền Bảo Lộc - Đền Trần - Chùa Tháp - Công viên Tức Mặc... Các dự án trên cùng với tuyến quốc lộ 21, tỉnh lộ 490 đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch. Trong số khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh mỗi năm, số lượng người đến với các khu điểm du lịch văn hóa, tham dự các lễ hội chiếm phần lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, số lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt gần 1,3 triệu lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 188 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khách lễ hội và mua sắm đạt 46,25 tỷ đồng, doanh thu lữ hành đạt 11,85 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hoá Trần tại Nam Định đến năm 2015” là một dự án văn hoá lớn, nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá thời Trần trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Dự án chính là “điểm nhấn” trong bản đồ du lịch danh thắng, du lịch tâm linh có quy mô khu vực và cả nước. Triển khai thành công dự án là điều kiện quảng bá hình ảnh quê hương, con người, mảnh đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hiệu quả hệ thống di tích nói chung và di sản văn hoá Trần nói riêng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trong không gian vùng đồng bằng sông Hồng, việc kết nối hệ thống di sản văn hoá Trần tại Nam Định với các địa danh thuộc các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình cần được triển khai thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể, chương trình hợp tác phát triển giữa các địa phương. Qua đó, cần có kế hoạch khảo sát, đầu tư và định hướng việc phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức các hội thảo chuyên đề để các địa phương trong khu vực có dịp đề xuất phương án phát triển du lịch bền vững, thực sự là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh và những giá trị lịch sử văn hóa của hệ thống các di tích tiêu biểu của tỉnh trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế. Đào tạo đội ngũ thuyết minh viên du lịch, nhất là tại các khu di tích quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích cho cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh./.
Việt Thắng