Vừa qua, tại Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), Chi hội Folklore châu Á phối hợp với Sở VH, TT và DL tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”. GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á nêu rõ, hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam và thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quần thể kiến trúc Phủ Dầy cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn nghi lễ chầu văn và hát chầu văn của người Việt ở Nam Định.
Cơ sở khoa học để Bộ VH, TT và DL đồng ý để tỉnh ta đại diện cho các địa phương trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trước hết, căn cứ vào lịch sử của tín ngưỡng Tứ phủ, thì hát văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác; đồng thời Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật chầu văn. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Không gian của nghệ thuật chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị linh thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu Tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa, Mẫu Nhạc, Mẫu Thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Hầu đồng tại Đền Mẫu Phủ Dầy. |
Qua kiểm kê của ngành VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ chầu văn. Tại huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Yên Đồng như: Phủ Nấp, phủ Đồi, chùa Đồi, Từ đường họ Phạm… Đối với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần thì trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở Thành phố Nam Định (đền Cố Trạch nằm trong cụm di tích Đền Trần, tại phường Lộc Vượng) và huyện Mỹ Lộc (đền Bảo Lộc, tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc). Trong không gian di tích, nhân dân thường phối thờ theo kiểu “Tiền Phật, hậu Thánh”, có ban thờ Đức Thánh Trần và Tam tòa Thánh Mẫu. Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo của nghệ thuật chầu văn Nam Định là rất đa dạng hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát thờ: thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng (còn gọi là hát văn công đồng). Ngoài ra, tại một số di tích từ đường dòng họ có hát thờ để ca ngợi công đức tổ tiên... Hát cửa đền thường diễn ra tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Hát hầu được sử dụng trong nghi lễ chầu văn hầu bóng theo tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ. Trong các hình thức trên thì hát hầu đồng là phổ biến nhất của nghệ thuật chầu văn Nam Định, bởi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Các bài văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp. Bài văn thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể 4-7 hoặc 5-8... Trong nghệ thuật chầu văn Nam Định, có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Các điệu chầu văn như hát cờn, hát phú, hát dọc, hát xá…, mỗi điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, trong đó hát phú là khó nhất, vừa lấy hơi sâu vừa phải giữ hơi dài, hát liên tục, nối nhanh các điệu với nhau để tránh rời rạc và phải kết hợp trống, phách, nhị.
Trong quá trình hình thành, phát triển, chầu văn được bổ sung, giao thoa các làn điệu của các thể loại âm nhạc truyền thống khác như hát chèo, ca trù, hát xẩm. Hiện tại ở tỉnh ta có 470 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ chầu văn”, trong đó, hầu đồng là 246 người, chiếm 52,34%; hát văn (cung văn) là 245 người, chiếm 52,12%; sử dụng nhạc cụ là 162 người chiếm 34,46%. Đối với các cung văn phải có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, trữ tình, mềm mại phù hợp với tính cách nữ tính của người Mẹ - Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ. Người cung văn khi hát lời cổ phải thể hiện được nội tâm, tính cách của các vị Thánh. Theo số liệu điều tra khảo sát, trong tổng số người hát văn (cung văn) của tỉnh, có trên 240 người hát được các bài văn cổ, tiêu biểu như cung văn: Đào Thị Phòng, 70 tuổi, Hoàng Thị Lương 84 tuổi ở huyện Ý Yên; cung văn Bùi Văn Đông ở huyện Xuân Trường… Đó là những cung văn giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ như: đánh đàn, gõ phách, trống.
Từ trong các đền, phủ, với vai trò là một phương tiện nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu, có sức sống lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc trước đây, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Về cơ bản, các bài hát văn có chất liệu và giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật chầu văn cổ truyền mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Năm 1962, tại hội diễn ca múa nhạc dân tộc khu vực phía Bắc, tiết mục “Nam Định quê tôi” do Đoàn văn công Nam Định biểu diễn đã tạo nên sức sống mới của nghệ thuật hát văn. Từ đó các tiết mục hát văn do diễn viên độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu, được công chúng đón nhận, trở thành phương tiện nghệ thuật phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Qua giọng hát của NSƯT Kim Liên, Thế Tuyền, Kim Ngân, nghệ thuật chầu văn và các tiết mục hát văn Nam Định ngày càng có sức lan tỏa như các tiết mục: “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sỹ”, “Mừng Việt Nam đại thắng”. Các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và các tổ, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan khu vực và toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 CLB Chầu văn hoạt động có hiệu quả như: CLB Hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê Thị trấn Mỹ Lộc, CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB Chầu văn huyện Ý Yên, CLB Thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu… Bên cạnh đó, ở huyện Vụ Bản, đã ra mắt CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định, gồm 120 hội viên, là nghệ nhân, các nghệ sỹ hát văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hoá; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. Việc ra đời của CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam tại Nam Định được coi là một trong những "bước đệm” thúc đẩy công tác lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. CLB có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật chầu văn; đào tạo và truyền dạy các bản văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; xây dựng đạo đức nghề nghiệp; tìm kiếm tài trợ cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, học tập hát văn; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên.
Như vậy, việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước đưa “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là định hướng đúng đắn nhằm bảo tồn, phát huy một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, góp phần gìn giữ tinh hoa truyền thống, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Việt Thắng