Hội Cổ vật Thiên Trường với công tác sưu tầm và bảo tồn cổ vật dân tộc

08:10, 19/10/2012

Hội Cổ vật Thiên Trường hiện có 172 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội gồm: chi Hội Cổ vật tổng hợp, chi Hội Cổ vật Hải Hậu, chi Hội Cổ vật Xuân Trường, chi Hội Cổ vật Hải Phòng, chi Hội Cổ vật Bạch Đằng, chi Hội Cổ vật Nam Định A, chi Hội Cổ vật Nam Định B và chi Hội Cổ vật Sài Gòn.

Ngay từ khi thành lập (1-4-2004), Hội Cổ vật Thiên Trường đã phát động và mở rộng phong trào sưu tầm lưu giữ cổ vật, góp phần bảo tồn di sản văn hoá và cổ vật dân tộc, từng bước xây dựng và phát triển thị trường cổ vật lành mạnh trong tỉnh. Trung bình mỗi năm các hội viên của Hội đã sưu tầm trên 1.000 cổ vật; riêng năm 2011, đã sưu tầm hơn 1.300 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý. Cũng trong năm 2011, Hội đã tổ chức việc lập, xét duyệt hồ sơ đăng ký cổ vật theo quy định của pháp luật; trình cấp thẩm quyền phê duyệt hàng trăm cổ vật theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Hưởng ứng phong trào hiến tặng cổ vật cho Nhà nước do Hội phát động, đến nay các hội viên của Hội đã hiến tặng trên 659 cổ vật cho Bảo tàng Nam Định và bảo tàng các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như: Đồ đồng, đồ đất cổ thời kỳ văn hoá Đông Sơn, một trống đồng cỡ lớn thuộc loại cổ vật quý hiếm và các loại gốm cổ Việt Nam thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cùng với các loại đồ cổ của nước ngoài. Nhiều hội viên đã hiến tặng số lượng lớn như: Trần Thị Tú Anh (102 cổ vật); Trần Văn Hinh (82 cổ vật); Hoàng Văn Kim (68 cổ vật); Lê Quang Chức (63 cổ vật)… Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch danh dự của Hội đã hiến tặng 50 cổ vật thuộc thời Trần cho Bảo tàng Nam Định, gồm đồ gốm hoa nâu, đồ đồng. Anh Bùi Văn Quang (Vụ Bản) đã hiến tặng Bảo tàng Nam Định một bức sắc phong thời Hậu Lê niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632). Bản sắc phong này có hình chữ nhật, kích thước 113x46,2cm, làm bằng giấy dó có màu vàng nhạt, trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc. Về nội dung, đây là sắc phong cho Chương Khánh Công, trước đã được ban tặng là Huy Gia Viên Ý Tuy Phúc Hoằng Hưu Diễn Khánh Dụ Vương, nay ban thêm 4 mỹ tự là: Dục Đức Mậu Công. Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng đây là một trong những sắc phong có niên đại sớm so với các sắc phong hiện đang được lưu giữ tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Hội viên Lâm Dũ Xênh tặng Bảo tàng Nam Định 1 bức sắc phong của Vua Khải Định năm 1924 cho Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc Chủ Thượng đẳng thần tại thôn Sung Lư Sưa, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định (nay là làng Sưa, xã Yên Minh, huyện Ý Yên). Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ban sắc phong và cho thôn Sung Lư Sưa được thờ phụng Tản Viên Sơn Tam Vị quốc Chủ Thượng đẳng thần là việc mang nhiều ý nghĩa, nhằm tôn vinh những công lao của các vị anh hùng có công cứu nước giúp dân.

Khách tham quan gian trưng bày hiện vật của Hội Cổ vật Thiên Trường tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân Thu
Khách tham quan gian trưng bày hiện vật của Hội Cổ vật Thiên Trường tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân Thu

Hằng năm, Hội Cổ vật Thiên Trường phối hợp với các đơn vị, các ngành hữu quan tổ chức nhiều đợt trưng bày quy mô lớn. Năm 2011, Hội Cổ vật Thiên Trường phối hợp với Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh tỉnh trưng bày cây cảnh nghệ thuật và cổ vật Việt Nam, cổ vật nước ngoài của các thời kỳ lịch sử với quy mô hơn 1.150 hiện vật. Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Hội Cổ vật Thiên Trường phối hợp với Bảo tàng Nam Định tổ chức triển lãm “Cổ vật tinh hoa khu vực đồng bằng sông Hồng”. Triển lãm quy tụ được gần 1.000 cổ vật, bao gồm 750 cổ vật tiêu biểu trong nước, 175 cổ vật nước ngoài của hàng trăm hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường và các nhà sưu tập thuộc các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Các cổ vật được trưng bày theo 2 chủ đề: Cổ vật Việt Nam và cổ vật nước ngoài, qua đó người xem thấy được dấu ấn các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các cổ vật văn hoá Phùng Nguyên, Đông Sơn, thời Bắc thuộc, thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn, đặc biệt là di sản văn hoá thời Trần… Đây cũng là lần đầu tiên Hội Cổ vật Thiên Trường huy động một số lượng lớn cổ vật với sự tham gia của đông đảo các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, vào ngày mùng 7 Tết hằng năm, Hội Cổ vật Thiên Trường đều tổ chức gặp các hội viên, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu cổ vật đồng thời mời các nhà khoa học chuyên về lĩnh vực khảo cổ tới, bồi dưỡng cho hội viên những kiến thức về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại sản xuất và kinh nghiệm nhận biết chất lượng cổ vật...

Tuy nhiên, hoạt động của Hội Cổ vật Thiên Trường còn một số hạn chế: Công tác đăng ký cổ vật với Nhà nước vẫn còn khó khăn; một số hội viên chưa coi việc đăng ký cổ vật là nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật. Để nâng cao chất lượng hoạt động, trong thời gian tới, Hội Cổ vật Thiên Trường tiếp tục phát động phong trào sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn cổ vật trong các hội viên góp phần làm cho thị trường cổ vật phát triển lành mạnh. Vận động, thuyết phục hội viên thực hiện việc đăng ký cổ vật với Nhà nước theo Luật Di sản văn hoá, mở rộng giao lưu trong và ngoài Hội, đưa việc trưng bày, giao lưu cổ vật thường xuyên, nền nếp./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com