Vụ Bản đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá

08:09, 26/09/2012

Huyện Vụ Bản có hàng trăm di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh (xã Kim Thái); Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); Đền Đông (xã Thành Lợi); Đền, chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); Đền Vũ Nữ (xã Hợp Hưng)... Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm.

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27-12-1990. Trạng nguyên Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) đỗ Trạng nguyên vào khoa thi năm Quý Mùi (1463) dưới triều Lê Thánh Tông, khi ông mới 23 tuổi. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Lương Thế Vinh được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu viện Hàn lâm. Là người có tài về ngoại giao, ông được nhà vua giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi vua Minh đã góp phần giải quyết mối quan hệ giữa hai nước. Cuối đời ông về trí sĩ tại quê nhà, nghiên cứu đạo Phật, đạo Lão. Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (còn gọi là đền ông Trạng) được dân làng xây dựng vào đầu thế kỷ XVI để ghi nhớ công ơn. Di tích chính ở đây có 3 lớp nối tiếp nhau. Phía ngoài cùng là cung đệ tam, công trình có ba gian, bốn mái với các góc đao uốn cong mềm mại tạo nên sự thanh thoát cho kiến trúc. Toàn bộ cung đệ tam không có tường để trống bốn mặt. Cung đệ nhị và cung đệ nhất, tiếp liền mái với nhau, mỗi cung có ba gian. Các dãy nhà hai đầu xây gạch, đằng trước là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim. Cả hai cung đều xây theo kiểu vì quá giang kèo cầu, không cầu kỳ, tạo sự bền chắc cho công trình. Đồ thờ tự và đồ tế khí trong đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được bảo quản chu đáo. Tại đây các nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bằng gỗ, các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, những đôi song bình, độc bình, bát hương, nậm rượu bằng gốm sứ còn rất nhiều. Đặc biệt tại đền còn giữ được một tấm hình vẽ chân dung quan Trạng bằng sơn trên gỗ quý. Bức tranh khổ rộng 1m x 1m vẽ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ngồi trên án thư, hai chân vẫn đang đi giầy đặt về phía trước, tay phải đặt trên đùi, tay trái mở ra giơ lên phía trước bụng, khuôn mặt phúc hậu, tư chất thông minh, tư thế đĩnh đạc. Tương truyền bức vẽ này là của một họa sỹ người Trung Hoa vẽ tặng Trạng nguyên nhân dịp ông đi sứ sang Trung Quốc. Được sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được sửa chữa ngày càng khang trang bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tham quan của du khách.

Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Gắn với các di tích là các lễ hội truyền thống được các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hoặc lễ hội do chính quyền xã, thôn, làng quản lý. Tiêu biểu như: lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng Xuân. Chợ Viềng xuân năm mở một phiên vào mùng Tám tháng Giêng tại xã Kim Thái với những sắc thái văn hoá độc đáo, là “địa chỉ” du xuân của nhân dân vùng đất Nam Sơn Hạ, thu hút đông đảo nhân dân trong cả nước và du khách quốc tế về chơi chợ trong dịp sau Tết cổ truyền. Phiên chợ Viềng trước kia chỉ mở vào mùng Tám, song nhiều năm trở lại đây, phiên chợ diễn ra từ chiều mùng Bảy đến hết ngày mùng Tám tháng Giêng âm lịch. Các sản phẩm được đem ra mua bán tại đây chủ yếu là cây cảnh, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm đúc đồng, mỹ nghệ, mây tre đan và đồ cổ… Phiên chợ Viềng Xuân ngày nay thực sự trở thành một ngày hội giao lưu của các sản phẩm hàng hoá. Bên cạnh những giá trị kinh tế, chợ Viềng Xuân còn là nét đẹp văn hoá đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân nông nghiệp. Đến với vùng đất “Thiên Bản lục kỳ”, du khách còn được hoà mình vào một số lễ hội làng với các trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo đặc trưng của văn hóa làng: Tiêu biểu là hội "trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "kê kiên bảo" (hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh. Nguồn gốc của hội chọn vật lễ gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng cầu mưa, mùa màng bội thu. Tuỳ theo lệ của từng kỳ lễ mà làng có những quy ước, quy định riêng. Những nghi lễ chọn lợn, gà, cá đều mang dấu ấn tín ngưỡng văn hoá của cư dân nông nghiệp, có ý nghĩa nhân sinh sâu rộng, khuyến khích chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất. Hay các trò chơi dân gian như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi… trong lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen đã thực sự trở thành nét sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc dân tộc của các địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất.

Thực hiện Luật Di sản Văn hóa, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay huyện Vụ Bản có trên 500 hạng mục của hơn 150 di tích được tiến hành trùng tu. Bên cạnh đó, ban quản lý di tích các địa phương trong huyện thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước bài trừ mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, dân vũ, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống văn hiến của quê hương góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, quần thể di tích Phủ Dầy gồm đền, chùa, lăng, phủ là một trong 7 di tích của huyện được xếp hạng cấp quốc gia, UBND huyện Vụ Bản đã quyết định thành lập Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy và phê duyệt Đề án đổi mới công tác quản lý khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy với các mục tiêu cơ bản là: nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý và khai thác di tích và lễ hội. Duy trì và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của chợ Viềng Xuân và lễ hội Phủ Dầy theo tục thờ Mẫu, làm cho các hoạt động ở Phủ Dầy xứng đáng là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu thực hiện đúng theo quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Mục tiêu của đề án hướng vào việc phát huy giá trị của lễ hội, ngày càng thu hút đông đảo du khách, tạo việc làm cho nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, đồng thời tái đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí công đức của khách thập phương, huyện Vụ Bản đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 18 di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nguồn lực vật chất, tinh thần từ xã hội hoá di tích và lễ hội được các thủ nhang sử dụng hiệu quả cho việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, góp phần tạo cho quần thể di tích Phủ Dầy ngày càng hoàn thiện so với nguyên mẫu kiến trúc cổ. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức hằng năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của các tầng lớp nhân dân, tạo ấn tượng đẹp với khách thập phương xứng với vị thế là một trong 5 lễ hội lớn của quốc gia./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com