Lễ hội mùa thu

05:09, 15/09/2012

Mỗi độ thu sang cũng là lúc các miền quê trong tỉnh lại rộn ràng không khí của lễ hội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, có khoảng gần 50 lễ hội được tổ chức vào mùa thu. Các lễ hội mùa thu đều gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Lễ hội mùa thu có sự kết hợp, đan xen giữa các tín ngưỡng: thần hoàng làng, tôn giáo, dân gian... Ý nghĩa của phần "lễ" trong lễ hội không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc có công xây dựng, bảo vệ đất nước, các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. Tiêu biểu trong các lễ hội mùa thu là lễ hội Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), lễ hội chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)… Lễ hội Đền Trần được tổ chức từ ngày 10 đến 20 tháng 8 âm lịch hằng năm nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội Đền Trần. Phần lễ được cử hành trang nghiêm vào ngày chính kỵ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (20 tháng 8 âm lịch). Nghi lễ được diễn ra với lễ rước từ đền Cố Trạch - nơi thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền thờ 14 vị vua Trần. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú như: biểu diễn võ vật, đấu vật, múa lân, hát văn, chọi gà... Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội vùng, là niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định. Lễ hội chùa Cổ Lễ được tổ chức hằng năm từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch nhằm tưởng nhớ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa, thể thao truyền thống giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân trồng lúa nước.

Lễ hội Đền Trần. 	Ảnh: Xuân Thu
Lễ hội Đền Trần. Ảnh: Xuân Thu

Tại các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản... có nhiều lễ hội dân gian truyền thống diễn ra trong mùa thu. Tại huyện Xuân Trường, các lễ hội được gắn với các di tích với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Qua lễ hội, huyện Xuân Trường đã giữ gìn, bảo lưu được nhiều trò chơi dân gian như bơi chải, đấu vật, múa kiếm, côn quyền, thi làm bánh giầy, múa sư tử, đi kheo. Tiêu biểu là lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng được tổ chức vào các ngày 13, 14 và 15 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ Thiền sư Dương Không Lộ. Lễ hội gồm: Lễ dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông. Tại chùa Keo Hành Thiện, mỗi năm có hai lần mở hội vào dịp Tết Nguyên đán và tháng 9. Hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức trọng thể, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo còn có những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Độc đáo nhất trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện là môn đua thuyền chải. Đua thuyền chải ở chùa Keo Hành Thiện khác với các nơi khác là người chèo không ngồi mà đứng…
Các lễ hội mùa thu, tuy có khác nhau về hình thức lễ và hội nhưng các hoạt động văn hóa, thể thao trong các lễ hội đều tập trung ca ngợi truyền thống thượng võ, trọng đạo của dân tộc với các trò chơi dân gian như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi xen kẽ các môn thể thao hiện đại... Các hoạt động này đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Cũng thông qua sinh hoạt lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được khai thác, phát huy, nhiều giá trị văn hóa mới được bổ sung, góp phần làm cho sắc thái văn hóa trong lễ hội ngày càng đậm đà bản sắc. Những năm gần đây, cách thức tổ chức các lễ hội mùa thu trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, các mô hình quản lý lễ hội cũng được xây dựng hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Công tác an ninh trật tự được tổ chức tốt. Việc xã hội hóa trong tổ chức lễ hội được nhân dân địa phương phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác quản lý lễ hội vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương trong tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc quy chế lễ hội, mới chú ý đến phần lễ, coi nhẹ phần hội, hoặc không khai thác triệt để các hoạt động "hội" để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động mê tín, xóc thẻ, bày bán văn hóa phẩm "ngoài luồng" vẫn tồn tại ở một số lễ hội… Để khắc phục tồn tại của nhiều năm trước, lễ hội mùa thu năm nay, trọng tâm là lễ hội Đền Trần, Ban Chỉ đạo lễ hội đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội. Theo đó, các hoạt động của lễ hội Đền Trần 2012 sẽ diễn ra từ 25-9 đến 5-10-2012 (tức ngày 10-8 đến 20-8 âm lịch). Bên cạnh các nghi lễ truyền thống: lễ rước, nghi thức tế lễ, lễ dâng hương, các hoạt động hội gồm múa rồng, lân, múa rối nước, thi đấu vật, thi đấu cờ người, biểu diễn văn nghệ tiếng hát quê hương... cũng được tổ chức một cách trang trọng, ấn tượng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội... Ban tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ và chùa Keo Hành Thiện cũng đang chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức lễ hội năm nay; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiên quyết không để xảy ra tình trạng ăn thua, cá độ trong các trò chơi truyền thống như chọi gà, cờ người, các hiện tượng mê tín dị đoan; quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, không để xảy ra các tệ nạn xã hội cũng như bảo đảm an toàn trật tự, an toàn thực phẩm cho khách về dự lễ hội.

Các lễ hội mùa thu trên địa bàn tỉnh cần được bảo tồn, phát triển, nhân rộng nhằm làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa truyền thống trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hiện nay./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com