Sau gần 7 năm xây dựng, công trình Bảo tàng tỉnh Nam Định chính thức khai mạc trưng bày nội thất phần lịch sử xã hội tỉnh Nam Định vào ngày 30-9-2012, đúng vào dịp diễn ra Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Công trình với diện tích mặt bằng, quy mô xây dựng, hình dáng kiến trúc phù hợp quy hoạch phát triển Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Bảo tàng tỉnh Nam Định không chỉ là một thiết chế văn hóa quan trọng mà còn là "điểm nhấn" trong kiến trúc của Thành phố Nam Định hôm nay.
Bảo tàng tỉnh Nam Định. |
Là một tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là nơi hội tụ và bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, ở bất cứ giai đoạn nào mảnh đất Nam Định cũng ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa hết sức tiêu biểu, phong phú và đa dạng. Đặc biệt là ở thời Trần, Thiên Trường xưa - Nam Định nay không chỉ là quê hương, nơi đất tổ của các Vua Trần mà lịch sử còn ghi nhận như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long ở thế kỷ 13-14. Đây cũng chính là nền tảng, là điểm tựa về kinh tế - xã hội để đến thời Nguyễn, Thành phố Nam Định trở thành một trong ba thành phố lớn của miền Bắc và đến hôm nay, trở thành đô thị loại I, khẳng định vị thế trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng.
Nam Định còn được biết đến với các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng bản địa của Việt Nam. Nam Định còn có gần 2.000 di tích lịch sử văn hóa với trên 200 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội mang tầm quốc gia, vùng miền rộng lớn như lễ hội Trần, lễ hội Phủ Dầy. Trong nền kinh tế thị trường, Nam Định đã duy trì và phát triển được nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân có tay nghề cao ở làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, làng chạm khắc gỗ La Xuyên, làng đúc đồng Tống Xá, làng rèn Vân Chàng... cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác như chầu văn, hát chèo, rối nước, rối cạn... là những tinh hoa văn hóa của quê hương đang được gìn giữ và phát triển.
Nam Định còn là vùng đất học, đất văn, trước kia Nam Định đã từng có trường thi quốc gia, từ đó đến nay, thời kỳ nào Nam Định cũng có những nhân tài đóng góp cho quê hương, đất nước, tiêu biểu là các nhà cách mạng Tống Văn Trân, Trần Huy Liệu, Vũ Văn Hiếu, Lê Đức Thọ, Trường Chinh...
Những giá trị lịch sử, văn hóa đó một phần lớn đã được kết tinh trong các di sản văn hóa, không chỉ thể hiện qua các di tích lịch sử văn hóa mà còn trong các hiện vật ở Bảo tàng Nam Định. Là một thiết chế văn hoá quan trọng, cũng như các bảo tàng khác trên toàn quốc, Bảo tàng Nam Định không chỉ có có vai trò gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương thông qua công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày hiện vật, mà còn phục vụ nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa, giao lưu với các tỉnh, thành trong toàn quốc và trên thế giới... Hiện tại Bảo tàng Nam Định đang lưu giữ gần 20.000 tài liệu, hiện vật bao gồm các thể loại khác nhau, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm. Các hiện vật tại Bảo tàng bao gồm 4.355 hiện vật thể khối, 2.144 hiện vật chất liệu giấy, 345 hiện vật tham khảo, 10.930 hiện vật phim ảnh và hàng nghìn đầu sách, báo, tư liệu phản ánh toàn diện các lĩnh vực tự nhiên, xã hội của tỉnh mà qua hơn 50 năm hình thành, phát triển Bảo tàng, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, xây dựng. Tiêu biểu là bộ sưu tập điêu khắc đá tháp Chương Sơn, sưu tập đất nung tại Ngô Xá thời Lý, sưu tập gốm hoa nâu thời Trần, sưu tập tiền đồng cổ, sưu tập hiện vật múa rối nước, sưu tập nông cụ truyền thống của cư dân Nam đồng bằng sông Hồng... Các sưu tập hiện vật này là những minh chứng xác thực nhất về lịch sử, văn hóa của tỉnh Nam Định. Tuy nhiên từ khi hình thành (năm 1958) đến nay Bảo tàng Nam Định vẫn chưa có một công trình tương xứng để trưng bày giới thiệu tổng thể các sưu tập hiện vật qua các giai đoạn lịch sử với công chúng. Các cuộc trưng bày trong nhiều năm qua chỉ mới tập trung vào một số chuyên đề cụ thể, hoặc các cuộc triển lãm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các đại biểu xem các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân thu |
Năm 2005, được sự quan tâm của tỉnh, dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh được phê duyệt. Bảo tàng nằm ở trung tâm Thành phố Nam Định, trong không gian liên hoàn các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo truyền thống như Cột cờ, chùa Vọng Cung, vườn hoa, Giàn leo, Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ... Cũng tại vị trí này, năm 1963 khi Hồ Chủ tịch về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định, người đã đến xem triển lãm những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh và ghi sổ vàng truyền thống: "Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi". Công trình được xây dựng trên diện tích mặt bằng gần 12.000m2, quy mô đầu tư xây dựng 5.200m2. Công trình chính nhà Bảo tàng được thiết kế mang phong cách truyền thống gồm 3 tầng, tầng 1 là kho hiện vật và nơi làm việc của cán bộ Bảo tàng, tầng 2 và tầng 3 dùng để trưng bày. Ngoài ra Bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời kết hợp cây xanh, thảm cỏ tạo thành một tổng thể liên hoàn đáp ứng yêu cầu hoạt động của một thiết chế văn hóa đặc thù, một điểm nhấn trong kiến trúc Thành Nam hôm nay.
Sau gần 7 năm xây dựng, công trình Bảo tàng tỉnh Nam Định chính thức được hoàn thành và khai mạc trưng bày nội thất phần lịch sử xã hội tỉnh Nam Định vào ngày 30-9-2012, đúng vào dịp diễn ra Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Bảo tàng tỉnh Nam Định thống nhất một địa điểm hoạt động. Với vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo chuyên môn sâu, Bảo tàng Nam Định đang có đủ điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện các chức năng của một bảo tàng cấp tỉnh được xếp hạng II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội của địa phương.
Hướng tới Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, cùng với công tác chỉnh trang, phần thiết kế nội thất đang được Bảo tàng gấp rút hoàn thiện với quan điểm thiết kế là tôn vinh, làm nổi bật hiện vật, nhất là các hiện vật đơn lẻ, cụm hiện vật, cách bố trí phù hợp với từng loại hiện vật, nhất là các cổ vật tiêu biểu để tạo thuận lợi cho lộ trình tham quan. Những nội dung về lịch sử, văn hóa không dàn trải, biên niên mà được bố trí thể hiện theo những điểm nhấn, những chuyên đề sâu trên cơ sở đặc điểm của tỉnh Nam Định, của các vấn đề có tính thời sự và nguồn tài liệu, hiện vật có ở Bảo tàng. Tại tầng 2 từ sảnh vào là khu khánh tiết, bố cục chính giữa là cụm phù điêu với chủ đề chính là hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Nam Định ngày 22-5-1963 và câu nói của Bác khi về thăm Nam Định, xem triển lãm tại Bảo tàng: "Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi", một số mô hình cụm di tích tiêu biểu của Nam Định như: Chùa Tháp, Đền Trần, Cột cờ..., sa bàn quy hoạch kinh tế, xã hội của tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và một số hiện vật tiêu biểu thời Trần. Cũng tại tầng 2 là khu vực trưng bày, nội dung trưng bày bao gồm các giai đoạn lịch sử thể hiện qua các sưu tập hiện vật cùng tư liệu, hình ảnh từ thời kỳ tiền sử đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ - Mạc, thời Hậu Lê, thời Nguyễn và Pháp thuộc, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ...
"Điểm nhấn" của phần trưng bày là thời Trần, là chủ đề trưng bày chính của toàn bộ hệ thống trưng bày lịch sử xã hội tỉnh Nam Định. Phần trưng bày này không chỉ dành một không gian trang trọng, diện tích lớn nhất mà số lượng hình ảnh, hiện vật còn nhiều nhất, phong phú nhất. Các tài liệu, hiện vật thời Trần được bố trí làm nổi bật 3 nội dung cơ bản, mấu chốt: khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần, nêu tổng quan về hành cung Thiên Trường và các căn cứ địa của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, quá trình nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Nam Định qua nhiều thời kỳ.
Ngoài phần trưng bày nội thất, Bảo tàng còn có phần trưng bày ngoài trời được bố trí xen kẽ sân, vườn, cây xanh, thảm cỏ. Nội dung trưng bày là những hiện vật có kích thước, trọng lượng lớn, các mảng kiến trúc cổ, các tượng linh vật, nhóm vũ khí, khí tài thời chống Mỹ. Những hiện vật này phản ánh sự đa dạng, phong phú về di sản văn hóa của tỉnh Nam Định, đồng thời tạo cảnh quan hấp dẫn giúp cho người xem, vừa tham quan vừa thư giãn sau khi xem phần trưng bày cố định trong nhà bảo tàng.
Một số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Thu Hà |
Cũng nhân dịp khánh thành phòng trưng bày, Bảo tàng Nam Định phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức Triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực đồng bằng sông Hồng" tại tầng 3 Bảo tàng. Triển lãm quy tụ được gần 1.000 cổ vật, bao gồm 750 cổ vật tiêu biểu trong nước, 175 cổ vật nước ngoài của hàng trăm hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường và các nhà sưu tập thuộc các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Các cổ vật được trưng bày theo 2 chủ đề: cổ vật Việt Nam và cổ vật nước ngoài, qua đó người xem thấy được dấu ấn các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các cổ vật văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, thời Bắc thuộc, thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn, đặc biệt là di sản văn hóa thời Trần... Đây cũng là lần đầu tiên Hội Cổ vật Thiên Trường huy động một số lượng lớn cổ vật với sự tham gia của đông đảo các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài tỉnh.
Việc khai mạc Phòng trưng bày Bảo tàng Nam Định cùng Triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực đồng bằng sông Hồng" tại Bảo tàng là hoạt động văn hóa quan trọng trong dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Qua trưng bày di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh, các nhà chuyên môn giới thiệu tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh Nam Định và thông qua triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực đồng bằng sông Hồng" giới thiệu tiềm năng di sản văn hóa của các tỉnh trong khu vực và cả nước, góp phần đẩy mạnh phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Hy vọng với những điều kiện thuận lợi mới, Bảo tàng Nam Định sẽ thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của một bảo tàng cấp tỉnh có vị thế trung tâm khu vực, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng về di sản văn hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa xã hội của tỉnh./.
Minh Thuận