Đến với bài thơ hay “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa”

07:09, 02/09/2012
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”
Biết mấy tự hào âm thanh ấy
Sóng Trường Sa, gió cát Trường Sa
Nỗi nhớ quê nhà xôn xao sóng vỗ

Loa phóng thanh trên cành phong ba
Đài bán dẫn đặt bên công sự
Bình yên đảo xa chiều lộng gió
Lính trẻ quây quần nghe Tiếng nói Việt Nam...

Ôi! Tiếng của quê hương, Tổ quốc
Bốn ngàn năm vang đến cõi bờ xa
Tiếng gươm giáo thuở nào đi giữ nước
Tiếng gió đồng dào dạt khúc dân ca

Nghe xạc xào bờ lau bãi sậy
Tiếng võng trưa kẽo kẹt dưới tre làng
Tiếng thoi đưa nhịp nhàng trong xưởng máy
Tiếng trống trường mỗi sáng mặt trời lên

Nghe tha thiết tiếng suối rừng cuộn chảy
Sáo diều ru mướt gió chiều hè
Tiếng ve ngân dìu dặt hàng me
Nhịp hò khoan xóm chài trăng bát ngát…

Nơi Trường Sa đêm ngày sóng hát
Cứ ngân vang Tiếng nói Việt Nam…
Thao thức đồng quê mùa gieo hạt
Cành san hô đảo đá bỗng xanh mầm

Thiêng liêng tiếng quê hương, Tổ quốc
Hải đảo thân yêu như ngõ xóm đường làng
Mỗi buổi sáng lại vang lên thân thuộc
“Đây là Tiếng nói Việt Nam…”

Bùi Văn Bồng

Mỗi tấc đất, mỗi hải lý trên lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm từ bao đời nay. Nó luôn là máu thịt của dân tộc. Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa” của Đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng, là khúc hát ca ngợi những người lính biển, ca ngợi tiếng nói của cha ông, là sự khẳng định chủ quyền Trường Sa của dân tộc, là thông điệp từ đất liền gửi đảo xa.

Từ ngày 7-9-1945, chỉ sau 5 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, “Đây là tiếng nói Việt Nam” đã khẳng định tiếng nói của một đất nước đã giành được độc lập. Từ ngày đó, trong mỗi buổi phát thanh mở đầu một ngày mới đều ngân vang “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Đó là niềm tự hào của đất nước ta, dân tộc ta, làm rung động, xốn xang lòng người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo.

Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải từ bao đời nay của đất nước ta. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng, các chiến sĩ mới nghe được radio. Tiếng nói thân thương của Tổ quốc là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ: Sóng Trường Sa, gió cát Trường Sa/ Nỗi nhớ quê nhà xôn xao sóng vỗ… Tiếng nói của quê hương, của Tổ quốc nơi đảo xa cứ ngân vang, tha thiết trên khắp đảo nhỏ thân yêu: Bình yên đảo xa chiều lộng gió/ Lính trẻ quây quần nghe Tiếng nói Việt Nam… Ta như nghe và thấu hiểu từ trong nỗi nhớ nồng nàn kỷ niệm những âm thanh thân thuộc của nhịp sống quê nhà:

Nghe xạc xào bờ lau bãi sậy
Tiếng võng trưa kẽo kẹt dưới tre làng
Tiếng thoi đưa nhịp nhàng trong xưởng máy
Tiếng trống trường mỗi sáng mặt trời lên

Những chiến sĩ canh giữ biển trời của Tổ quốc càng xa những miền quê thân yêu, càng da diết trong lòng khi: Nghe tha thiết tiếng suối rừng cuộn chảy/ Sáo diều ru mướt gió chiều hè/ Tiếng ve ngân dìu dặt hàng me/ Nhịp hò khoan xóm chài trăng bát ngát.

Những khổ thơ trên rất giàu tính hoạ, tính nhạc, hoà cùng sóng gió Trường Sa vút lên giai điệu tình yêu quê hương, Tổ quốc thật nồng nàn say đắm. Đó chính là tình yêu thiết tha của những chiến sĩ hải đảo bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Đó cũng là niềm vui của mọi công dân nước Việt ở đất liền và hải đảo qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể xem đây là lời khẳng định bằng hình tượng thơ về chủ quyền lãnh thổ. Trường Sa của Việt Nam là điều không thể chối cãi. Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam ở Trường Sa” gợi nhớ những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài “Sao chiến thắng” vào năm 1964, khi giặc Mỹ đổ quân vào xâm lược Việt Nam: Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…

Theo: QĐND
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com