Âm vang “Hội chèo làng Đặng” ngày ấy (!)

07:08, 14/08/2012

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”. Đó là những câu thơ của Nguyễn Bính nói về làng chèo nổi tiếng của quê hương Nam Định. Hiện nay, chiếu chèo làng Đặng Xá, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) chỉ còn những cụ ông, cụ bà ngồi hát, nhưng vẫn giữ được thần thái, “chất lửa” của những làn điệu chèo.

Một chiều tháng 7, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Đặng Mạnh Yêu (79 tuổi), người hát chèo nổi tiếng nhất làng Đặng Xá. Theo hồi ức của ông, gánh chèo Đặng Xá một thời được người yêu nghệ thuật chèo trong cả nước biết. Cùng với các gánh chèo của làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận)… đã làm nên tên tuổi của nghệ thuật chèo đất Bắc. Thời kỳ hưng thịnh gánh chèo làng Đặng có tới 30-40 diễn viên không chuyên, đi khắp các thôn, xã trong và ngoài tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân. Năm 1954, gánh chèo làng Đặng đổi tên thành Đội văn nghệ làng Đặng Xá; đến năm 1959, được đổi tên thành Đội văn nghệ Thượng Hưng và năm 1977 đổi tên thành Đội văn nghệ Bắc Hưng của hợp tác xã Bắc Hưng (bao gồm 14 xóm của làng Đặng Xá). Với nhiều nghệ nhân đam mê và tâm huyết với nghề, Đội văn nghệ đã mang tiếng trống chèo và những làn điệu chèo say đắm, thiết tha đi phục vụ nhân dân ở khắp mọi nơi từ huyện, xã cho tới thôn, xóm và cả trên những mâm pháo, trong những chiến hào thời chống Mỹ, trong các hoạt động sản xuất của nông dân, hay ở các hội diễn văn nghệ, lễ hội...

Những nghệ nhân của Tổ hát chèo người cao tuổi làng Đặng Xá say mê tập luyện.
Những nghệ nhân của Tổ hát chèo người cao tuổi làng Đặng Xá say mê tập luyện.

Trong quá trình biểu diễn, Đội văn nghệ làng Đặng Xá đã gặt hái được rất nhiều thành công. Năm 1961, Đội chèo làng Đặng đoạt giải nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh với vở “Bụi tre gai” và “Sao đổi ngôi” được Giáo sư Hà Văn Cầu (nguyên Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam), một trong những thành viên ban giám khảo đã hết lời khen ngợi những sáng tạo kết hợp nghệ thuật múa chèo vào trong vở diễn và sự cố gắng của Đội chèo Đặng Xá trong việc giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống và đề nghị hội thi chú ý học tập. Năm 1963, Đội chèo Đặng Xá đoạt giải nhất trong cuộc thi diễn chèo Quân khu 3 với vở “Nắm cỏ trâu”. Năm 1982 Đội chèo Đặng Xá đoạt giải nhất tại hội diễn chèo Bình Lục (Hà Nam). Ngoài ra, Đội chèo còn đoạt được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác.

Đội chèo Đặng Xá không chỉ hát chèo để phục vụ, cổ vũ nhân dân hăng say lao động sản xuất mà còn hát phục vụ bộ đội. Trong các trận đánh ác liệt ở Chùa Cuối (sân vận động Thiên Trường bây giờ), ở làng Vị Dương hay ở làng La Hóp (Mỹ Phúc) đội văn nghệ xung kích xã Mỹ Hưng ban ngày đào đất, ban đêm vẫn hát phục vụ các đội sản xuất, các đơn vị bộ đội theo tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”. Trong thời kỳ “đỉnh cao” gánh chèo Đặng Xá có rất nhiều vở diễn cổ làm nên “tên tuổi” của làng chèo như “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”…; một số vở được cải biên cho phù hợp với yêu cầu tuyên truyền như: “Đường về trận địa”, “Nồi cơm anh nấu”, “Sao đổi ngôi”, “Bụi tre gai”, “Trên nương dâu”, “Đường đi đôi ngả”…; trong đó 2 vở diễn “Nồi cơm anh nấu” và “Sao đổi ngôi” khi công diễn được nhân dân trong và ngoài tỉnh rất yêu thích.

Từ những năm 1982-1983 hoạt động của Đội chèo làng Đặng dần dần lắng xuống. Đến nay, làng chèo Đặng Xá chỉ còn ở chi hội người cao tuổi xóm Thượng với 11 người gồm 8 nữ và 3 nam, đều là những người đã lớn tuổi; trong đó, người đứng đầu tổ chèo là ông Đặng Mạnh Yêu. Bắt đầu hát chèo từ những ngày còn bé, đến năm 15 tuổi ông Yêu đã được đóng vai chính trong các vở chèo cổ. Ông Yêu đã có hơn 60 năm mang tiếng đàn và những làn điệu chèo đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ông Yêu chia sẻ: Chèo làng Đặng đã có giai đoạn phát triển rất rực rỡ và đạt nhiều thành tích. Tuy nhiên, bây giờ chẳng mấy ai, nhất là lớp trẻ còn mặn mà với những làn điệu chèo. Thị hiếu công chúng thay đổi kéo theo hoạt động của đội chèo ít được quan tâm, các thành viên của đội chèo vì hoàn cảnh gia đình mà phải đi làm ăn. Mỗi năm tổ chèo chỉ diễn khoảng 4 tiết vào các ngày 4 tháng Giêng hội làng, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5, ngày Quốc khánh 2-9, ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10… Những dịp như vậy,  các cụ cao niên hát chèo lại chuẩn bị áo quần mớ ba mớ bảy tập luyện cho những trích đoạn, những bài hát mới... Thực tế, hiện nay việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận không phải dễ bởi không phải ai cũng có lòng đam mê và tâm huyết với những làn điệu chèo để có thể theo và giữ gìn.

Yêu chèo, đam mê và tâm huyết với những làn điệu chèo mượt mà, thiết tha, những nghệ nhân như ông Yêu và những người trong tổ chèo Đặng Xá đang từng ngày cố gắng bám nghề, giữ nghề với mong muốn một làng chèo đã có lịch sử phát triển lâu dài có thể duy trì và giữ được tiếng vang trong lòng người nghe. Việc khôi phục làng chèo Đặng Xá không chỉ của những người yêu mến nghệ thuật chèo mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng trong việc duy trì và phát triển môn nghệ thuật hát chèo độc đáo của dân tộc./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com