Xuân Trường đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

05:08, 25/08/2012

Là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Trường đã kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khu trung tâm huyện Xuân Trường. Ảnh: Xuân Thu
Khu trung tâm huyện Xuân Trường. Ảnh: Xuân Thu

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của huyện và làm nòng cốt xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đời sống văn hóa từ huyện tới cơ sở được kiện toàn, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; hằng quý tổ chức giao ban phản ánh tình hình kết quả thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. BCĐ của huyện còn tổ chức hội nghị, tọa đàm các làng văn hóa tiêu biểu, qua đó rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng làng văn hóa. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn được các địa phương kết hợp với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của MTTQ, phong trào "Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi - giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới" của Hội Nông dân... Các phong trào đã hỗ trợ nhau, tạo đà cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển theo các tiêu chí xây dựng làng, thôn, xóm văn hóa, gia đình văn hóa. Tất cả các làng, thôn, xóm trong huyện đều xây dựng quy ước nếp sống văn hoá. Hằng năm, ban vận động phong trào các thôn, xóm tổ chức họp dân để sửa đổi, bổ sung quy ước cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thôn, xóm. Ngoài ra, BCĐ xây dựng đời sống văn hóa của huyện, các xã, thị trấn đã kịp thời cập nhật các văn bản, hướng dẫn mới của Trung ương, của tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa và triển khai tới các thôn, xóm để tổ chức thực hiện. Nhờ đó đến nay đã có 209/312 làng, thôn, xóm trên địa bàn toàn huyện đạt danh hiệu làng, thôn, xóm văn hóa, 75% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; nhiều thôn, xóm văn hóa đều có từ 80% số hộ trở lên đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Kết quả xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá đã góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, là môi trường bảo tồn bền vững những giá trị văn hóa dân tộc, tạo sự gắn kết các gia đình, dòng tộc, các tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến; làng nghề mộc, chế biến lâm sản xã Xuân Bắc; nghề trồng dâu, nuôi tằm, thêu ren ở các xã Xuân Hồng, Xuân Ngọc..., tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại các địa phương. Tại các làng văn hóa, các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân vận động, thư viện được quan tâm đầu tư xây dựng. Huyện có cơ chế hỗ trợ các thôn, xóm đầu tư xây mới mỗi nhà văn hóa từ 20-50 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 218/312 làng, thôn, xóm xây dựng được nhà văn hóa, trong đó có 120 nhà văn hóa làng, thôn, xóm đủ yêu cầu theo tiêu chí nông thôn mới; 94 thôn, xóm chưa có nhà văn hóa nhưng đã được quy hoạch đất để xây nhà văn hóa. Hoạt động của hệ thống nhà văn hóa thôn xóm đã phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở như: nhà văn hóa xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh; nhà văn hóa xóm 13, xã Xuân Kiên; nhà văn hóa xóm 2, xã Xuân Tiến; nhà văn hóa xóm 11, xã Thọ Nghiệp; nhà văn hóa xóm 4, xã Xuân Phương... Các nhà văn hóa không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với từng người dân, là nơi hội họp của các ban, ngành, đoàn thể mà còn là địa điểm duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT; qua đó phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân văn hóa, văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào và làm phong phú đời sống tinh thần ở cơ sở. Cùng với hệ thống nhà văn hóa, hoạt động của hệ thống thư viện từ huyện đến các xã, thị trấn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Cùng với thư viện huyện, xã, toàn huyện còn có 20 tủ sách pháp luật, 20 bưu điện văn hóa xã, thị trấn thường xuyên được bổ sung các đầu sách, hoạt động có nền nếp phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của cán bộ và nhân dân trong huyện. Các di tích luôn được các tầng lớp nhân dân trong huyện trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị. Phong trào giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ được đẩy mạnh, rác thải được thu gom xử lý theo quy định. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hằng năm BCĐ từ huyện đến cơ sở tổ chức phát động nhân dân đăng ký thực hiện; đã có 100% xóm, thôn đăng ký, qua kiểm tra có tới 90% các thôn, xóm thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc tổ chức lễ cưới, lễ tang đều thực hiện theo quy ước nếp sống văn hóa. Trong đám tang đã bỏ hẳn những hủ tục lạc hậu, nghi thức rườm rà, không tổ chức ăn uống, đám cưới đảm bảo vui tươi trang trọng. Trong các lễ hội không có mê tín dị đoan.

Để duy trì và phát triển phong trào, thời gian tới huyện Xuân Trường tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với triển khai xây dựng nông thôn mới; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động BCĐ phong trào từ huyện đến cơ sở để giúp cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện phong trào. Đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và nâng cao chỉ tiêu, chất lượng phong trào, lấy việc xây dựng gia đình văn hóa và làng văn hóa là trọng tâm để phát triển phong trào./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com