Văn hóa nhận thức và ứng xử

08:08, 06/08/2012

Lâu nay, xem chương trình ca nhạc thiếu nhi, cũng không khỏi có lúc ái ngại. “Trẻ em như búp trên cành”, chúng là “tờ giấy trắng”, nào có biết gì đâu đến thời trang. Vậy mà người lớn để các cháu mặc những chiếc yếm cách điệu, hở hết cả lưng cả lườn. Từ nhỏ các cháu đã được người lớn chuẩn bị mỹ cảm cho như thế, thì khi lớn lên đương nhiên các cháu sẽ tiếp tục ăn mặc “thiếu vải”, nếu không muốn nói là càng hở càng tốt vì đã bị hình thành ý thức về một vẻ đẹp thân thể như thế.

Nghệ thuật biểu diễn là một khía cạnh của văn hóa. Nhưng văn hóa không chỉ có nghệ thuật biểu diễn, văn hóa rộng lớn hơn nhiều. Và thật buồn khi chúng ta quá chuyên chú vào chuyện "hở”, chuyện "hot”, chuyện scandal của giới showbiz mà những vấn đề khác lại bị coi nhẹ. Văn hóa còn nhiều chuyện phải lo và phải làm…

Nhí nhảnh những gương mặt Đồ Rê Mí trong Gala Tết mừng Đồ Rê Mí 5 tuổi. Ảnh: Internet.
Nhí nhảnh những gương mặt Đồ Rê Mí
trong Gala Tết mừng Đồ Rê Mí 5 tuổi. Ảnh: Internet.

1. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đúng khi trong một buổi tọa đàm đã cho rằng, khi nói nghệ sĩ quá "hở” thì phải đặt vị trí của họ lúc bấy giờ trong chương trình biểu diễn nào. Ví như, diễn trong một vũ trường thì nữ ca sĩ không thể mặc áo dài đoan trang, nhưng nếu trong một chương trình kỷ niệm, tri ân mà lại hở trước hở sau là không được. Anh cũng nói thêm rằng, các nhà quản lý văn hóa cũng không nên quá loay hoay về chuyện hở hay không, với ý định quy định váy ngắn đến đâu là vừa, hở thế nào là không phản cảm…, vì còn rất nhiều việc khác phải làm.

Còn nhà thơ Vi Thùy Linh thì cho rằng, hiện có một "tam giác” dẫn đến tình trạng này. Đó là: người viết báo - giới biểu diễn - công chúng. Theo cách nói đó, có thể hiểu rằng, với đỉnh tam giác thứ nhất - người viết báo (đặc biệt là báo mạng) đã quá tò mò, chỉ chuyên chú đi săn những gì được coi là giật gân, ví dụ như chuyện "lộ hàng” của giới showbiz rồi tức thì đưa lên mạng. Ở đỉnh thứ hai của tam giác này, là chính giới showbiz cũng cố tình tạo ra các scandal để hút sự chú ý của mọi người. Họ giả bộ ngây thơ nhưng thực tình thì cố làm cho mình thật nóng bỏng, mà để được điều đó thì chiêu quan trọng nhất là… lộ hàng. Còn ở đỉnh thứ ba của tam giác - công chúng, có một bộ phận không nhỏ suốt ngày lướt web tìm những pha "hàng nóng”. Sự truy cập của người đọc đem đến thị phần quảng cáo cho các tờ báo mạng. Muốn làm "sạch” thì quan trọng nhất là vai trò quản lý của người đứng đầu tờ báo mạng đó: anh/chị ta không sử dụng những thông tin kia thì sự thể đã khác.

Từ đó, ta thấy vai trò của truyền thông trong thế giới đương đại là vô cùng hệ trọng, nó tác động liên tục, bền bỉ, dữ dội vào cuộc sống tinh thần của mỗi một cá nhân, của một cộng đồng và toàn xã hội. Trước một hiện tượng, người ta nói thế này thì nên thế này, nói thế kia thì ra thế kia, và chúng sẽ tác động đến xã hội một cách khác nhau, tốt hoặc xấu. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn "tức” báo giới khi anh dẫn ra câu chuyện của chính mình: khi một nhà báo hỏi chuyện, anh nói là phải thăng hoa hết mình, cảm xúc của mình phải đến độ, mình có cảm thấy sung sướng thì mới hy vọng đem sự sung sướng ấy đến với một vài người qua tác phẩm. Thế nhưng, hôm sau, trên báo lại xuất hiện dòng tít: "Lê Minh Sơn: tự sướng là sướng nhất”. Ở đây, sự việc đã bị bóp méo theo hướng giật gân, xa rời bản chất sự việc và làm hình ảnh người được phỏng vấn méo mó, kỳ dị.

Trở lại chuyện nữ ca sĩ "hở” thế nào là vừa. Các cơ quan quản lý văn hóa rất tốn thời gian bàn thảo, nhưng rốt lại cũng không đi đến đâu. Thi thoảng cũng phạt một hai cô vì "hở”, phạt theo kiểu "vải thưa che mắt thánh”. Như trường hợp của nữ ca sĩ Thu Minh, "hở” quá đáng cũng chỉ bị phạt 3,5 triệu đồng - không là gì so với catsê của cô qua từng show diễn. Đã thế, gần đây nhất, mỗi tối chủ nhật trên sóng truyền hình, với vai trò huấn luyện viên - giám khảo trong chương trình "Tiếng hát Việt”, Thu Minh vẫn rất hở, khiến không ít người xem bỗng nhiên thấy sượng sùng khi camera quay vào "vòng một” của cô. Như vậy, về phía cô ta là một, nhưng còn trách nhiệm, quyền hạn của nhà tổ chức, sản xuất chương trình thì sao?

Lâu nay, xem chương trình ca nhạc thiếu nhi, cũng không khỏi có lúc ái ngại. "Trẻ em như búp trên cành”, chúng là "tờ giấy trắng”, nào có biết gì đâu đến thời trang. Vậy mà người lớn để các cháu mặc những chiếc yếm cách điệu, hở hết cả lưng cả lườn. Từ nhỏ các cháu đã được người lớn chuẩn bị mỹ cảm cho như thế, thì khi lớn lên đương nhiên các cháu sẽ tiếp tục ăn mặc "thiếu vải”, nếu không muốn nói là càng hở càng tốt vì đã bị hình thành ý thức về một vẻ đẹp thân thể như thế. Tương tự, không ít nữ diễn viên múa cố tìm cách phô ra những tấm thân siêu hạng trước công chúng. Điều đó có đúng không? Yếu tố sex bị lạm dụng tràn lan khi mà người ta lúc nào cũng mang "chân dài” ra bàn một cách khoái trá. Trong quán bia hơi vỉa hè xoay qua xoay lại cũng vẫn chuyện "chân dài”, đến ngay cả trong công sở cũng mang "chân dài” ra bình phẩm. Khi mỗi một con người không có nền tảng văn hóa thì những quái thai văn hóa sẽ xuất hiện, chúng được sinh ra trong góc tăm tối của tâm hồn.

2. Biểu diễn là một khía cạnh của văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa rộng lớn hơn nhiều. Và cũng thật buồn khi chúng ta thấy rằng trong khi quá chuyên chú vào chuyện "hở”, chuyện "hot” thì những vấn đề khác lại bị coi nhẹ. Ví như chuyện của các di tích, mà cụ thể là các đình, chùa.

Hệ thống tượng trong các đình, chùa Việt Nam chủ yếu là tượng đất và gỗ. Có lẽ do thấy tượng quá cũ chăng mà người ta làm mới lại bằng cách sơn thật kỹ, loáng bóng, kể cả dùng sơn Nhật để sơn. Sở dĩ tượng trong đình, chùa tồn tại với chúng ta vài trăm năm nay một mặt là do yếu tố tâm linh, nhưng không nên quên đặc tính kỹ thuật của vấn đề. Nếu cứ dùng sơn nhiều hóa chất mà quét kín, tượng sẽ không giao hòa được với không khí bên ngoài, sẽ hỏng từ trong hỏng ra. Những tưởng quét sơn cho tượng là bảo dưỡng, là trùng tu, thật ra lại làm hỏng tượng kể cả về mặt thẩm mỹ lẫn về độ bền. Đáng nói là mỗi khi phục dựng một ngôi đình, ngôi chùa nào đó, việc đầu tiên người ta lại mang tượng ra… quét sơn. Từ đó, mở rộng ra, nhiều công trình thông qua các dự án để trùng tu, nhưng yếu tố giải ngân lại nổi lên hàng đầu. Vừa không hiểu biết đến đầu đến đũa yếu tố văn hóa - lịch sử, vừa sốt ruột giải ngân để xà xẻo chút nào hay chút ấy, mới dẫn đến chuyện sau khi trùng tu, phục chế đã xa rời nguyên gốc, làm cho di tích "trẻ” lại đến vài trăm năm tuổi. Mỗi lần đến chùa Trăm Gian, lại tiếc cho hệ thống tượng vô cùng độc đáo, từng mang nỗi u uẩn của nhân gian nay đã trở nên bóng bẩy. Sự linh thiêng bị hóa giải bằng chính sự lệch lạc văn hóa trong một ý nghĩa cụ thể.

Cũng lại là chuyện tượng. Gần đây, dư luận băn khoăn về chuyện một tỉnh ở miền Trung dự định dùng nhiều tỷ đồng để làm một khối tượng hoành tráng nhất Đông Nam Á. Hội chứng muốn "đứng thứ nhất” lan sang cả những giá trị thiêng liêng. Tượng đài là cần, nhất là tượng trong không gian, để mọi người cùng chiêm bái. Nhưng cũng nên nhớ rằng, người xưa từng căn dặn "Dựng tượng thì dễ, hạ bệ thì khó”, trong khuôn khổ nghĩa đen của câu này có thể hiểu rằng chẳng may bức tượng đó xấu thì cũng không thể đập đi được. Cho nên, cái xấu sẽ nghiễm nhiên tồn tại trong không gian, theo thời gian. Vì thế, phải coi đây là điều hệ trọng chứ không chỉ nên coi đó là các dự án, nhỏ thì ngần này tiền, to thì ngần kia tiền.

Đất nước không ít tượng đài, nhưng số tượng đẹp quá ít. Lỗi do đâu? Ngày ngày đi qua gò Đống Đa, lại buồn thay cho tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ dựng ở sau gò. Đi ngoài trục đường chính, không ai có thể thấy tượng Đức minh quân ở đâu, chỉ khi rẽ vào đường ngách, mới thấy được ngài. Cũng vì do khuất quá, nên không gian trước tượng nay đã thành chỗ cho người già, trẻ con gần đó đánh cầu lông, đùa giỡn. Tượng ngoài trời, nhất là của các vĩ nhân phải đạt được giá trị chi phối không gian; ở đây đã không chi phối thì thôi mà lại còn bị khuất lấp. Ứng xử văn hóa do đó được xem là tối cần thiết, chứ không chỉ dựng công trình đó lên cho có, vì mục đích nào đó mà thôi.

3. Như trên đã nói, vai trò truyền thông là vô cùng quan trọng. Nó tạo ra dư luận. Vậy thì, trong câu chuyện này, hãy tạo ra dư luận phê phán những cái xấu, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt, lên tiếng ngay từ đầu với các dự án làm xấu môi trường văn hóa, để may chăng tình hình sẽ cải thiện ít nhiều?

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com