Triền đê

09:08, 03/08/2012

Không phải nơi nào cũng có đường đê và triền đê, bởi nó phải là miền quê nào có con sông chảy qua, dòng sông uốn lượn, người làng mới phải đắp đê ngăn nước trị thuỷ. Sự bồi vun theo năm tháng của con người chống chọi với thiên nhiên sẽ để lại trong ký ức người làng bao kỷ niệm vui buồn.

Chắc hẳn những nơi có triền đê, cái cảm giác của mỗi người được vui chơi, chăn trâu, thả diều, hò điệu ví… vẫn ngập tràn ký ức tuổi thơ. Khi đã trở thành những thanh niên trai tráng của làng, mỗi năm đôi bận, cùng nhau đào đất đắp lươn, xăm xoi ụ mối, làm điếm canh đê, sẵn sàng thường trực ứng cứu và tham gia chống bão, lũ khi mùa mưa bão tới.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cho đến tận hôm nay, ký ức tuổi thơ tôi vẫn là triền đê vút cong dưới vòm trời nắng gắt, bao bọc những ngôi nhà bé nhỏ nằm nép mình yên ả dưới chân đê. Hai bên sườn đê là những triền thoai thoải, tua tủa mọc những cỏ mật, cỏ gấu và cỏ may đan cài vào nhau.

Mùa heo may lá rụng, chạy dọc triền đê là một màu tro xám lạnh, gió rít từng cơn xào xạc, cây cỏ xác xơ, lũ trẻ chúng tôi đưa trâu lên bờ đê đứa nào cũng cầm trên tay bó rơm con chụm vào lửa thổi phù phù cho đỡ cóng buốt.

Những chiều hè oi ả, đàn trâu đủng đỉnh từ bãi bồi đi về, người và trâu thả mình xuống dòng nước trong xanh, bơi qua bên kia sông, để men theo triền đê về nhà.

Triền đê cũng là nơi hò hẹn của bao nhiêu đôi trai gái làng yêu nhau, cũng là nơi chứng kiến những buổi vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con… Để rồi mỗi người khi chia xa, lòng trĩu nặng nhớ về triền đê cong, phía dưới là những bến sông quê nơi có con đò neo đậu, đưa người làng qua lại mỗi ngày…

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com