Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đồng tổ chức triển lãm mỹ thuật “Biên giới, biển đảo quê hương”. Đây là những tác phẩm được chọn từ hàng trăm tác phẩm mỹ thuật do các hoạ sĩ thực hiện khi tham gia các trại sáng tác, thể hiện sâu đậm tình yêu Tổ quốc và những đổi mới trong sáng tạo mỹ thuật.
Triển lãm vừa được khai mạc tại nhà Triển lãm Thông tin Văn hoá Thành phố Hà Nội, số 45 phố Tràng Tiền và phòng triển lãm 19 Hàng Buồm, Hà Nội. Để có được hơn 150 tác phẩm sơn dầu, sơn mài, đồ hoạ và điêu khắc đầy tâm huyết, mang đậm cảm xúc của các hoạ sĩ và nhà điêu khắc trưng bày tại triển lãm, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức tám trại sáng tác và nhiều chuyến đi thực tế về các vùng biển, đảo và biên cương. Các hoạ sĩ đã cùng trải nghiệm thực tế cuộc sống và chia sẻ sự gian khổ với những chiến sĩ biên phòng và hải quân đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Một góc triển lãm tranh Biên giới Biển đảo quê hương. Ảnh: Internet |
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội Phạm Kim Bình, biển luôn luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của các hoạ sĩ. Những tác phẩm trong triển lãm lần này đã hoà quyện được tình yêu đối với vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo quê hương. Nhiều hoạ sĩ có tranh tại triển lãm từng có một thời khoác áo lính, cầm súng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tranh của họ đã ghi lại những ký ức, cảm xúc theo cách nhìn của người lính, mạnh mẽ và sâu lắng. Đó là các tác phẩm Vì biển đảo Tổ quốc của Phạm Ngô Vượng, Sống trên sóng của Nguyễn Thế Hữu, Tổ quốc trên vùng đảo nhỏ của Nguyễn Hải Nghiêm, Nhớ biển của Bằng Lâm… Ý chí, tinh thần quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền trên vùng biên cương và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, được thể hiện sâu đậm, ấn tượng và đầy biểu cảm trong tác phẩm sơn dầu Tuần tra của Chu Thảo, Tưởng niệm ở Trường Sa của Trần Nguyên Hiếu, Biển đảo quê hương của Bùi Trung Hà, Bình yên của Phan Thị Thanh Mai, Được mùa cá biển của Nguyễn Thế Tuấn… Vẻ đẹp của biển gắn liền hình tượng người chiến sĩ hải quân mạnh mẽ, vừa lãng mạn, bay bổng trong các tác phẩm: Chim hải âu và lính biển của Nguyễn Thái Hùng, Bình minh trên đảo Trường Sa của Nguyễn Doãn Sơn, Khoảnh khắc của Phạm Tuấn Minh, Người lính biển của Trịnh Bá Quát, Ánh mắt lính đảo xa của Nguyễn Hà Bắc, Vì sự bình yên biển đảo của Phạm Đắc Hiển, Tuần tra biển đảo của Trần Lãng… Ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền còn được thể hiện ở nhiều tác phẩm khác về người lính hải quân lênh đênh trên những con tàu tuần tra hoặc trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK như Bác vẫn cùng chúng cháu tuần tra của Lê Phi, Tổ quốc nơi đầu sóng của Kiều Hải, Vì biển đảo Tổ quốc của Phạm Ngô Vượng, Giữ bình yên nơi sóng dữ của Phan Tuấn Tài, Bám biển ngày đêm của Phạm Ngọc Điệp.
Triển lãm “Biên giới, biển đảo quê hương” đã cho thấy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sự gắn bó máu thịt của nghệ sĩ với nhân dân, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo của họ để từ đó có được nhiều tác phẩm thành công./.
Theo: QĐND