Những phát hiện mới về khảo cổ học tại khu vực núi Phương Nhi

08:08, 09/08/2012

Xã Yên Lợi (Ý Yên) là vùng đất cổ gắn với nhiều di tích lịch sử văn hoá. Đó là đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Bảo tháp Chương Sơn ở núi Ngô Xá.

Bảo tháp Chương Sơn là công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn nổi tiếng trong lịch sử. Theo "Việt sử lược", "Đại Việt sử ký toàn thư", tháp Chương Sơn còn có tên là Vạn Phong Thành Thiện, được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Tháp bị giặc Minh phá năm 1407. Qua đợt khai quật vào năm 1966-1967 tại đỉnh núi Ngô Xá, quy mô, cấu trúc của tháp Chương Sơn đã được các nhà khoa học làm sáng tỏ qua hàng nghìn di vật đá và đất nung, mang đặc trưng nghệ thuật trang trí thời Lý làm xuất lộ bình đồ của chân tháp và các kiến trúc liên quan. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát khu vực xung quanh, qua đó đã phát hiện ở khu vực núi Phương Nhi cách Bảo tháp Chương Sơn 1km về phía nam có dấu vết của vật liệu kiến trúc thời Lý.

Công nhân đào tại hố 1, núi Phương Nhi thuộc quần thể bảo tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi, Ý Yên
Công nhân đào tại hố 1, núi Phương Nhi thuộc quần thể bảo tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi, Ý Yên.

Trong các năm 2005-2007, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Nam Định đã tiến hành khảo sát tại núi Phương Nhi và kết quả bước đầu cho thấy trên đỉnh cao nhất của núi Phương Nhi có nhiều vật liệu kiến trúc xuất lộ. Trên cơ sở đó, trong hai tháng 4 và 5-2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp Sở VH, TT và DL tiến hành thám sát, khai quật khu vực núi Phương Nhi. Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ khu vực núi Phương Nhi, từ đó tiến hành thám sát và khai quật 3 khu vực: Đồi Nhất (đỉnh cao nhất của núi Phương Nhi), Đồi Nhị và Đồi Tam (còn gọi là Chóp Nón). Với gần 400m2 thám sát, khai quật và trong diện tích phát quang khảo sát trên 1.000m2 tại khu vực núi Phương Nhi, các nhà khảo cổ học đã thu được hàng trăm di vật từ thời Lý đến thời Trần, Lê với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau như đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì. Đáng chú ý, về di tích, đã phát hiện một phế tích kiến trúc hình lục giác có 6 cạnh, gồm 5 cấp nền trên đỉnh núi Phương Nhi cao 95m so với mực nước biển. Kiến trúc này được xây dựng khá cẩn thận. Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng: Đây có thể là một chân tháp được xây dựng bằng việc tái sử dụng vật liệu thời Lý, đặc biệt là sự góp mặt của khá nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc dùng để xây tháp như gạch trang trí rồng, hoa lá, hoa cúc và các mảnh đấu kê đỉnh cột. Một chi tiết rất đáng quan tâm so với các di tích thời Lý đã từng khai quật, đó là trên nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc tìm thấy ở núi Phương Nhi được đánh dấu bằng nhiều kiểu ký tự, ký hiệu khác nhau. Có ký tự chữ Hán như Đại, Lục, Thất, Chủ, Bính; có ký hiệu hình bánh xe, lá đề, chữ S ngược, tia sét, vòng tròn đồng tâm được in bằng khuôn và các kiểu ký tự ký hiệu khác vẽ bằng tay. Những ký tự, ký hiệu này khá bí ẩn và cần được tiếp tục nghiên cứu. Từ quan sát thực địa, cũng như nghiên cứu sưu tập hiện vật thu được, các nhà khảo cổ học cho rằng trên đỉnh núi Phương Nhi vào thời Lý đã có một công trình kiến trúc tháp và các kiến trúc liên quan khác. Trải qua thời gian, di tích này đã bị sụp đổ. Tuy nhiên, đợt khai quật vẫn chưa phát hiện được vết tích nền móng còn lại của các công trình.

Một số di vật tiêu biểu các nhà khảo cổ học tìm thấy tại khu vực núi Phương Nhi.
Một số di vật tiêu biểu các nhà khảo cổ học tìm thấy tại khu vực núi Phương Nhi.

Qua hơn 2 tháng khảo sát, khai quật của các nhà khảo cổ, kết quả khai quật, đặc biệt là sưu tập hiện vật tìm thấy tại núi Phương Nhi cho thấy, các di tích tại khu vực núi Phương Nhi có mối quan hệ mật thiết với Bảo tháp Chương Sơn. Đây chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn. Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến cho biết: Kết quả thu được lần này cho phép nhận diện về một quần thể di tích tôn giáo thời Lý rất quy mô và rộng lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Kết quả này cũng bổ sung thêm tư liệu quý giá về các vấn đề liên quan đến Bảo tháp Chương Sơn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trùng tu và tôn tạo quần thể di tích có ý nghĩa lịch sử này trong tương lai.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, niên đại mà không nhiều di tích thời Lý nào có được, trung tuần tháng 6-2012 vừa qua, Bộ VH, TT và DL đã có quyết định xếp hạng cụm di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích khảo cổ Bảo tháp Chương Sơn là di tích cấp quốc gia./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com