Chèo với đề tài hiện đại và những vấn đề đặt ra

09:08, 03/08/2012

Là hình thức sân khấu dân gian, mang tính nội sinh bản địa, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi lần tiếng hát chèo vang lên lại đồng vọng sâu xa trong tâm trí mỗi người chúng ta tình cảm thiết tha về cội nguồn quê hương xứ sở. Do tính ước lệ không cao, tính trình thức chưa quá chặt chẽ, nghiêm ngặt như tuồng và với độ mở, độ co giãn nhất định, chèo có khả năng tiếp cận xã hội hiện đại, trực tiếp thể hiện cuộc sống và con người đương thời.

Với thời gian và sự sàng lọc khách quan, nhìn lại những tiết mục chèo đề tài hiện đại, dư luận chung và bản thân giới chèo tỉnh táo nhận ra những thiếu hụt, bất ổn ở đa số những tác phẩm chèo này, bộc lộ từ diện mạo tổng thể cho đến các thành phẩm sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, biểu diễn, âm nhạc, tạo hình, vũ đạo... Dường như đụng vào khâu nào cũng thấy còn những vấp váp, chưa hoàn thiện làm giảm sút chất lượng nghệ thuật, hiệu quả truyền cảm. Đối chiếu những vở chèo đề tài hiện đại được xem là thành công, đoạt giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn, liên hoan quốc gia hay vùng miền với một số tích chèo cổ mẫu mực, thấy ra ngay độ chênh lệch về tầm vóc cách nhau quá xa dễ dẫn đến nản lòng. Có lẽ hợp lý hơn khi đem những vở chèo đề tài hiện đại gặt hái thành công thời gian qua so sánh với những vở chèo mới sáng tác khai thác đề tài lịch sử, truyện dân gian  mà thôi. Nhưng trên phương diện này sự khác biệt về chất lượng nghệ thuật, sự thiếu hoàn chỉnh giữa các thành phần sáng tạo giữa chúng cũng lộ ra, khiến cho dư luận càng tỏ ra không thỏa mãn với những gì đã có. Từ đó đi đến nhận định, cho đến nay vẫn chưa có vở chèo đề tài hiện đại nào vượt qua được thành công của vở diễn bộ ba Bài ca giữ nước sáng tác của Tào Mạt, khai thác đề tài lịch sử.

Một cảnh trong vở chèo
Một cảnh trong vở chèo

Tuy ý thức được khó khăn thiên nan, vạn nan khi vận dụng ngôn ngữ chèo thể hiện đề tài hiện đại, nhưng các đơn vị nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ chèo vẫn kiên trì đi tiếp con đường thử nghiệm chèo tiếp cận đề tài hiện đại. Sự kiện Liên hoan sân khấu chèo đề tài hiện đại tại Thái Bình gần đây với sự góp mặt của 16 tiết mục do 13 đơn vị chèo trong cả nước thực hiện minh chứng quyết tâm đó. Diễn biến của  liên hoan và dư luận hậu liên hoan một lần nữa như thổi bùng lên sự không đồng thuận giữa những quan niệm và cung cách xử lý mối quan hệ giữa chèo với đề tài hiện đại, từng được đặt ra trước đây. Nhưng lần này, tình hình trở nên căng thẳng diết dóng hơn nhiều. Dường như qua chứng kiến một loạt những tiết mục cùng thể hiện đề tài hiện đại với cách chiếm lĩnh, thể hiện khác nhau, mức độ nhuần nhuyễn không đồng đều, dẫn đến sự khác biệt về hiệu quả thẩm mỹ đã làm dấy lên những luồng ý kiến, những nỗi niềm lâu nay, cùng những trải nghiệm, nghiền ngẫm, thao thức, lâu nay vẫn tích tụ gặp điều kiện thích hợp lắng lại thành ý tưởng, bật lên thành lời, bày tỏ một thái độ về chèo đề tài hiện đại.

Lắng nghe các luồng ý kiến đây đó, từ  những trao đổi thậm chí tranh cãi giữa người này với người kia, cũng như vang vọng của nó trên truyền thông báo chí, có thể thấy rằng các luồng ý kiến không chỉ dừng lại ở những đánh giá về các tiết mục cụ thể, hoặc bó hẹp ở thắc mắc này nọ về kết quả giải thưởng chưa thấu lý đạt tình mà đã xới lên nhiều điều bao quát hơn, quan trọng hơn như nhu cầu về việc nhìn lại một cách khách quan, khoa học chặng đường đã qua của chèo, soát xét lại, nhận thức lại những vấn đề cơ bản về chèo của chính đội ngũ chèo, ngỡ tưởng đã ngã ngũ từ lâu nhưng khi vận dụng nó vào xử lý cụ thể trong từng mắt, khâu của quá trình tạo ra vở diễn lại cho thấy còn nhiều điều mơ hồ, cũng như việc thưởng thức, đánh giá vở diễn  khi nó công diễn bộc lộ quá nhiều khác biệt về chuẩn xem xét. Hơn thế, nhiều ý kiến còn động chạm đến thực chất sự tồn tại của các đơn vị chèo hiện đang như thế nào, và tương lai của chèo sẽ ra sao?

Vậy làm thế nào để chèo khai thác đề tài hiện đại mà vẫn giữ được đặc trưng của chèo? Chung quanh vấn đề này cũng lại chứa đựng một số chiều, cạnh cần được làm sáng tỏ. Trước hết, là cách hiểu về cái gọi là đề tài và nội hàm của đề tài hiện đại. Những lưu ý khi một mặt không san bằng như nhau các loại đề tài nhưng cũng tránh không quá coi trọng đề tài mà quên rằng trong nghệ thuật, ngoài vấn đề sáng tác về cái gì còn có điều quan trọng hơn là cung cách sáng tạo cái đó như thế nào, liên quan đến tầm nhìn và tài năng, bản lĩnh của người nghệ sĩ. Từ một phía khác là trở lại câu chuyện tưởng như đã cũ về đặc trưng chèo, chất chèo khiến nó không lẫn với các bộ môn kịch hát gần gũi khác. Đó là những nhân tố cho thấy phương thức tái hiện của chèo, tả ý mà không tả thức, hoặc cấu trúc tự sự, ước lệ của chèo... Rồi chèo, cũng như tất cả những hình thức sân khấu khác đã định hình ranh giới thể loại có sở đoản và sở trường riêng trong khả năng chèo hóa hiện thực đời sống. Đứng trước sự phong phú muôn mặt của đề tài hiện đại, đâu là những phạm vi là đất dụng võ đắc địa cho ngôn ngữ chèo phát huy thế mạnh của mình, đâu là vùng cấm mà chèo nên tránh xa nếu như không muốn tự đánh mất bản sắc riêng mà lạc đường sang một kịch chủng khác.

Chúng ta biết rằng, tiếp cận cuộc sống phức tạp hiện nay là thách thức không dễ dàng đối với bất kỳ nghệ sĩ của ngành nghệ thuật nào, nhất là từ mớ bòng bong nhiều khi rối ren của các hiện tượng đời sống đang diễn ra trước mắt nhìn ra được những liên hệ tương quan bản chất vốn thường bị che lấp trong những quan hệ  chằng chéo giữa người với người, hay sự phân thân ở chính nội tâm một cá nhân giữa thời kinh tế thị trường hội nhập hiện nay, rồi từ đó tìm cách chuyển hóa nó, hiện thực hóa nó thành tác phẩm cụ thể mà tác phẩm này lại phải đi đúng vào quỹ đạo của nghệ thuật chèo. Như thế là khó khăn này kéo theo khó khăn khác bủa vây người nghệ sĩ từ mọi phía. Trên thực tế đã chứng kiến nhiều tác phẩm mải mê khai thác những mảng hiện thực nóng hổi tính thời sự mà xao lãng việc phát huy ngôn ngữ đặc trưng của chèo cũng như ngược lại cho nên dẫn đến hiện tượng được mặt nọ và vơi hụt ở mặt kia, cho nên vở diễn rơi vào tình trạng nhạt nhòa. Như thế đặt vấn đề chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng phải chăng là  thoát ly thực tế? Nhưng đây lại là những yêu cầu cần đạt tới của một tác phẩm nghệ thuật. Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây. Đã qua rồi thời kỳ khán giả khát thèm thưởng thức sân khấu để bước vào kỷ nguyên công chúng khó tính khi lựa chọn tác phẩm tiếp nhận. Do vậy, nếu chèo diễn tả đề tài hiện thực chỉ đơn thuần đáp ứng nhiệm vụ bám sát hiện thực đương thời là chưa đủ, nếu không nói là phí phạm thời gian, công sức lẫn nguồn ngân sách bỏ ra.

Để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng khó khăn như thế, việc để có những tác phẩm chèo hay về đề tài hiện đại thì còn khó khăn tới đâu? Đây gần như là công việc bất khả, hay chí ít cũng chỉ là khát vọng mang tính mộng mơ. Xưa nay, cái hay trong nghệ thuật vẫn thật sự hiếm hoi và không thiếu những trường hợp cái hay chỉ hiện ra lấp ló xa vời ở đường chân trời. Nhưng mặt khác nghệ thuật là không gian của say mê, khát khao. Trong cuộc đời thực tế cái khó thường bó cái khôn, nhưng trong hoạt động đòi hỏi thường trực sự tìm tòi sáng tạo thì có khi cái khó lại làm ló cái khôn. Những ràng buộc, quy định của một thể loại, một thể tài có khi làm bó tay, bó chân người nghệ sĩ nhưng cũng có khi chính nó làm tiền đề kích hoạt những phá cách, những đột phá mang lại bất ngờ lý thú. Cha ông chúng ta trong quá khứ đã từng sáng tạo nên những vở chèo lay động thấm thía  thách thức thời gian, đặt lên vai thế hệ hậu sinh không chỉ vay vốn tiền nhân mà không có gì đền đáp và không phải thời đại chúng ta không từng  xuất hiện tác phẩm chèo hay, được thời gian và công chúng thừa nhận như Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt, xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Tất nhiên, đó là chèo hiện đại khai thác đề tài lịch sử. Với chèo đề tài hiện đại thì sao? Chúng ta đã có hàng trăm vở chèo loại này, trong đó hàng chục vở đã đoạt Huy chương Vàng hội diễn, liên hoan và là cơ sở để tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ  được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT được giải thưởng cấp Nhà nước. Trong sự nghiệp sáng tạo chèo về đề tài hiện đại đã trưởng thành và khẳng định tên tuổi một đội ngũ nghệ sĩ.  Mỗi người một vẻ đều ít nhiều  mang đến cho sàn diễn chèo những nhân tố lạ gây tranh cãi nhưng kích thích cho sự phát triển của chèo. Đó cũng là cơ sở để hy vọng chèo của chúng ta sẽ vươn tới tạo dựng được tác phẩm chèo đề tài hiện đại hấp dẫn và qua sàng lọc sẽ đọng lại vở diễn hay./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com