Hằng năm, cứ đến ngày 7-7 âm lịch, lễ hội đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) lại thu hút đông đảo khách thập phương về dự. Điều đặc biệt trong lễ hội là tục dâng lễ bằng cơm gạo đỏ (hoặc xôi gấc) với muối vừng - một tập tục riêng có ở lễ hội.
Theo thư tịch cổ, Bạch Hoa công chúa sinh vào giờ Mão ngày 1 tháng 2 năm Nhâm Tuất (1382) là con Vua Trần Thuận Tông và thứ phi Diệp Diệu Hiền ở thôn Lựu Phố xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Từ khi còn nhỏ, Bạch Hoa công chúa đã ham đọc sách, các sách kim cổ đều làu thông. Bạch Hoa từng khuyên cha nhiều việc có ích cho dân cho nước như: giảm nhẹ thuế nông tang, khuyến dân cày cấy, đặt các trạm tuần kiểm thu thuế buôn bán, kén người hiền tài giúp nước.
Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho con là Trần Án mới 3 tuổi. Trần Thị Bạch Hoa là chị của Thái tử Án lúc đó 17 tuổi phản đối. Sau đó công chúa Bạch Hoa được Hồ Nguyên Trừng cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Công chúa được đưa tới chùa Diên Bình trên núi Cẩm Long, ngọn Bổ Đà, mai danh ẩn tích. Tương truyền công chúa ở đó thích ăn cơm gạo đỏ, uống nước hạt bạch hoa cúc, đêm ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho mọi người chung sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những lúc rảnh rỗi bà thường sang bên hữu sông lên núi hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người, nên dân đến tụ họp ngày một đông nhất là nhân dân sở tại. Bà mất năm Giáp Tuất (1454) niên hiệu Diên Ninh đời Vua Lê. Tuy bà không mất tại quê nhà nhưng nhân dân làng Lựu Phố nhớ công đức của bà đã lập đền thờ. Ghi nhớ thói quen thanh đạm của bà, trong các vật phẩm dâng lễ Bạch Hoa công chúa nhân dân luôn thổi cơm gạo đỏ và muối vừng. Chùa Bổ Đà sau đổi thành chùa Trinh Sơn, còn gọi là chùa Trinh Tiết ngụ ý ngôi chùa trên núi thờ Bạch Hoa công chúa cành vàng lá ngọc thuộc dòng họ Trần lập chùa thờ Phật không vướng bụi trần, còn nguyên vẹn trinh tiết. Đến nay, làng Lựu Phố vẫn giữ được đạo sắc phong triều Vua Duy Tân thứ 5 (1911) phong cho xã Lựu Phố, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định tôn thờ Tiên Thiên Bạch Hoa công chúa. Tại phủ thờ bà ở làng Lựu Phố ngoài sắc phong của Vua Duy Tân còn có đôi câu đối gỗ mới được phục dựng theo nguyên mẫu, nội dung “Trần sơ đế thúc tiên cư xứ/ Hồ thủy hoàng nương sở xuất phương” (Dịch nghĩa: Buổi đầu của nhà Trần, đế thúc chọn nơi này ở trước/ Họ Hồ mới có nước, hoàng nương từ đây bỏ ra đi).
Vào ngày giỗ của Tiên Thiên Bạch Hoa công chúa, nhân dân ở hai nơi Thanh Liêm (Hà Nam) và Gia Viễn (Ninh Bình) đều về Lựu Phố dâng hương tưởng niệm. Ngày nay, trong lễ hội làng Lựu Phố vẫn duy trì tục cúng lễ món cơm gạo đỏ (có thể thay bằng xôi gấc vì nay không còn gạo đỏ) và muối vừng. Đây là một tục lệ đẹp trong lễ hội đền Lựu Phố./.
Trịnh Thị Nga
(BQL khu di tích LSVH đền Trần, chùa Tháp)