Đình Hướng Nghĩa - Nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử

01:07, 14/07/2012

 

Di tích lịch sử văn hoá đình Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận (Vụ Bản) - nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến trường tồn của dân tộc.
Di tích lịch sử văn hoá đình Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận (Vụ Bản) - nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến trường tồn của dân tộc.

Di tích đình Hướng Nghĩa của thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận (Vụ Bản), được xây dựng khoảng năm 1112, thời Lý. Công trình không chỉ minh chứng cho một thời kỳ hào hùng của nhân dân địa phương mà còn mang nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc. Đình Hướng Nghĩa nằm quay hướng tây, có bình đồ kiến trúc kiểu chữ "nhị", trên một khu đất cao. Xung quanh đình trồng những hàng cây lâu năm tỏa bóng mát cùng hệ thống tường bao bảo vệ càng làm cho ngôi đình thêm phần uy nghiêm. Theo hệ thống sắc phong và bài vị thờ tại đình Hướng Nghĩa thì nơi đây thờ 3 vị thần, gồm: Hậu Tắc hoàng đế, Câu Mang đại vương, Đương Chu đại vương, đều là những vị thần có nhiều công lao với dân, với nước. Hậu Tắc Hoàng đế là vị thần đã có công dạy dân cách thức trồng trọt các loại cây. Câu Mang đại vương là một danh tướng thời Hùng Vương. Đương Chu đại vương là người có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Kiến trúc của đình Hướng Nghĩa gồm hai tòa chính gồm tiền đường và hậu cung. Tiền đường là 5 gian gỗ lim theo kiểu dựng 4 hàng cột, 6 bộ vì. Hai bộ vì hồi làm theo kiểu "thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy". Các con rường thân soi chỉ, đầu chạm vân; các bức mê ở giữa kẻ ngồi và xà nách là những bức tranh "tứ linh" sinh động. Tại 3 gian giữa có 4 bộ vì được làm theo kiểu "thượng giá chiêng, hạ kẻ truyền". Giữa tiền đường và hậu cung là một khoảng sân rộng hơn 2m. Hậu cung có 3 gian, tường hồi xây bít dốc, hai mái phẳng lợp ngói nam. Trong gian giữa của hậu cung hiện đang đặt ngai và bài vị thờ của ba vị thần chủ ngôi đình, hai gian bên thờ các vị thần tướng và thần hậu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình Hướng Nghĩa là cơ sở cách mạng, chiến đấu chống kẻ thù. Đình là một trong những địa điểm thành lập tổ chức "Nông hội đỏ" đầu tiên của huyện Vụ Bản. Tháng 8-1930, tại đình Hướng Nghĩa đã ra mắt "Nông hội đỏ" do đồng chí Vũ Khế Bật ở Tỉnh ủy Hà Nam xây dựng, gồm 12 hội viên do đồng chí Trần Văn Kỷ phụ trách có nhiệm vụ làm cơ sở liên lạc giữa Tỉnh ủy Nam Định và Hà Nam, đồng thời tổ chức quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng. Ngay từ khi mới thành lập, Nông hội đỏ Hướng Nghĩa đã có nhiều hoạt động sôi nổi như làm cổng chào, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, treo cờ Đảng trên cây đa đầu làng, trên núi Ngăm... Trong Cách mạng Tháng Tám, tại đình Hướng Nghĩa, cán bộ Việt Minh đã nêu rõ thắng lợi của cuộc cách mạng trong cả nước, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của đế quốc ở xã, yêu cầu bọn hào lý phải nộp đồng triện và sổ sách. Từ đó đình Hướng Nghĩa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân và là nơi mở các lớp bình dân học vụ. Năm 1952, trong một trận càn quét của địch, chúng bắn hơn 50 quả đạn pháo vào làng làm cháy ba gian tam quan của đình Hướng Nghĩa. Thời kỳ này, đình Hướng Nghĩa được chọn vừa để làm kho thóc của HTX, vừa làm trường học cho con em trong làng... Đình làng Hướng Nghĩa cũng là nơi các gia đình trong làng tiễn đưa con em lên đường tòng quân đánh giặc. Qua các đợt tòng quân, làng Hướng Nghĩa đã có 109 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có 13 người đã anh dũng hy sinh.

Đình Hướng Nghĩa luôn được nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ. Tại ngôi đình này, lớp người cao tuổi thường tề tựu lại để "ôn cố tri tân", nhắc nhở cháu con phải luôn noi theo các bậc tiền bối dựng xây quê hương đất nước. Hiện tại nơi đây vẫn gìn giữ được nhiều di vật có giá trị như hệ thống sắc phong, ngai và bài vị thờ 3 vị thần, đại tự, câu đối gỗ, biển thờ... Đặc biệt, hằng năm, tại đình Hướng Nghĩa thường diễn ra những lễ hội vào các dịp: Tết Nguyên đán, Tết Thượng Nguyên, Tết Đoan Ngọ... Cứ ba năm một lần, từ mồng 1 đến mồng 5 tháng 8, làng vào khóa "nhập tịch" xướng ca 5 ngày tại đình, có biểu diễn hát chèo, lễ rước kiệu quanh làng diễn ra uy nghiêm và vui vẻ làm rộn rã không khí làng quê. Đình cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của thôn, là nơi hội họp của các tổ chức đoàn thể trong thôn, nơi phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, năm 2009, đình Hướng Nghĩa đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com