Ảnh: Internet |
Quê tôi là đất trồng cau nên nhà ít cũng có dăm bảy cây, nhà nhiều có tới vài chục cây. Riêng nhà ông nội tôi, cau dẫn lối hai hàng từ ngõ vào sân và được trồng ở khắp bờ ao, vườn sau, vườn trước. Những cây còn trẻ thân bóng láng, mập mạp, tàu cau xanh mướt xoè rộng như chiếc ô. Những cây lâu năm da mốc thếch, rêu phong, ngọn vút cao hơn cả nóc nhà. Dưới gốc cau trước cửa, ông tôi đặt một cái chum để chứa nước mưa. Những ngày mưa rào, từng giọt nước tinh khiết chạy dọc thân cau được hứng bằng một tàu cau cho chảy vào chum. Ngày ấy, nguồn nước sạch sinh hoạt còn khan hiếm nên nước mưa quý lắm, chỉ được dùng vào việc ăn uống, chứ không bao giờ được tắm rửa hay giặt giũ. Nước mưa hứng từ thân cau dường như ngon hơn, ngọt hơn nên khi mang pha chè, bát nước chè tươi thêm đậm đà sóng sánh, tăng hương, tăng vị. Bà tôi thích ăn trầu, vì vậy dưới gốc cau già đầu ngõ, ông tôi còn bắc giàn, trồng thêm mấy dây trầu. Những hôm nhà có giỗ, tôi thích nhất là được bà sai đi hái lá trầu về têm. Phải chọn lá trầu bánh tẻ, không non quá mà cũng không được già quá. Lá trầu hái về cũng không ăn ngay mà ủ trong cơi một ngày cho hơi ngả vàng và dậy hương nồng đượm. Cau vườn nhà vừa tới độ được cắt xuống, quả xanh non chỉ to bằng quả trứng gà con so được bổ ra làm sáu, lộ ra phần thịt trắng muốt và cái hạt đỏ như son. Bà tôi lấy nửa lá trầu, quệt vào chút vôi, thêm một miếng cau, một miếng vỏ cuộn thành tổ kén rồi khéo léo lấy cuống trầu cài ngang để cho miếng trầu không bị xổ ra. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” mỗi khi có khách đến nhà, khay trầu được bưng ra trước để các ông già, bà cả vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa râm ran trò chuyện. Các thôn nữ chỉ cần một miếng trầu cay cũng đủ hồng môi đỏ má, làm ngất ngây bao ánh mắt trai làng! Mùa hè, hoa cau nở trắng trên đầu, những bông hoa li ti rụng xuống lối đi làm thơm cả mặt đất. Những đêm sáng trăng, lũ trẻ chúng tôi trải chiếu ra sân, nằm ngửa mặt lên trời đếm sao lấp lánh trên những vòm cau rồi ngủ thiếp đi trong hương cau thơm ngát. Mùa thu, những buồng cau lúc lỉu của quê tôi lại góp mặt trong những đám hỏi, đám cưới, mừng cho trai thanh gái lịch nên đôi nên lứa. Vào cữ tháng mười âm lịch, khi lúa mùa gặt rộ cũng là lúc cau chín vàng rực trong cái nắng hanh hao của mùa đông. Đêm nằm, nghe tiếng trái cau rụng lộp độp trong vườn, bà nội lại trằn trọc không ngủ được. Cây cau thân thiết với người nông thôn nên ngay cả tàu cau già héo cũng không bỏ đi. Phần lá được bà chụm lại, bó thành chổi quét sân quét ngõ. Phần bẹ được ông ép phẳng phiu, cắt thành những chiếc quạt mo xinh xắn. Trên quạt ông tôi còn đề thơ hoặc viết câu đối nên chúng tôi mỗi khi về quê chơi đều thích thú xin ông một chiếc để mang về thành phố khoe với bạn bè. Những quả cau già nhăn nheo rụng xuống được ông bà tôi gom lại, ươm vào bầu đất, chẳng mấy chốc đã nẩy mầm xanh tốt. Những cây lâu năm thân mảnh mai không chịu được gió bão tháng bảy lại được thay bằng những cây mới khoẻ khoắn mập mạp, khu vườn nhà nội lúc nào cũng xanh mướt bóng cau./.
Lam Hồng