Đã có bao áng thơ hùng tráng viết về Bộ đội cụ Hồ - những người đã chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc, làm nên những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc. Trong mạch nguồn cảm hứng ấy, quê hương Nam Định cũng tự hào có những nhà thơ với những bài thơ đã in sâu vào tâm trí nhiều bạn đọc. Nhà thơ Vũ Cao quê xã Liên Minh (Vụ Bản) nổi tiếng với bài thơ “Núi Đôi”. Là nhà thơ trực tiếp cầm súng chiến đấu và viết về chiến tranh, bài thơ “Núi Đôi” cũng như nhiều bài thơ khác của ông đều mang dấu ấn của sự trải nghiệm rồi chiêm nghiệm. Có lần ông tâm sự: “Những ngày đi công tác, đến đâu tôi cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động để có thể viết lên “Núi Đôi” của mình. Bởi cuộc sống người lính và hiện thực chiến tranh luôn đầy ắp những sự kiện, những tấm gương anh hùng trong chiến đấu, lao động sản xuất”. Bài thơ “Núi Đôi” là câu chuyện về tình yêu đôi lứa trong kháng chiến chống Pháp giữa người ra trận và người hậu phương, thể hiện được tình cảm thiêng liêng của những đôi lứa biết yêu nhau và yêu nước, biết quên mình vì nhau và vì nước: “Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”.
Trong đội ngũ những nhà thơ mặc áo lính, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu quê xã Điền Xá (Nam Trực) cũng có những tác phẩm về đề tài thương binh liệt sỹ gây xúc động lòng người. Bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” ông viết khi mới 22 tuổi, là lính ở trung đoàn 165, sư đoàn 312. Nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ, ông từng viết: “Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Mới vào "thử lửa" được mấy tháng, quân số trung đoàn đã bị thương vong khá nhiều. Người chết vì sốt rét, chết vì bom mìn, người chết vì quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi (cạnh thị xã Xiêng Khoảng). Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969. Ở nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, dưới tàn lửa của những cây thông, tôi cùng một số người trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm liệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”. Bài thơ đã khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sỹ: “Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi/ Chết - hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng”. Bài thơ được in trên tạp chí "Tác phẩm mới" được dư luận đánh giá cao, được Hội Nhà văn và Bộ LĐ-TB và XH trao giải thưởng chính thức về đề tài thương binh liệt sỹ. Cùng với bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”, trường ca “Mở bàn tay gặp núi” của Nguyễn Đức Mậu cũng được xem như một bảo tàng ký ức bằng thơ. Ông đã ghi lại sự hy sinh, hiến dâng cao cả của bao thế hệ người lính đã sống, chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người đọc bắt gặp ở bài thơ nỗi đau khi nhớ về sự hy sinh của đồng đội: “Mở bàn tay thấy những vệt sao rơi/ Gặp trận bom vùi năm người hầm sập/ Năm người hầm sập chỉ riêng mình sống sót/ Mình là ngón tay thừa trên thương tật bàn tay?”. Đó còn là sự đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn của người thương binh trở về sau cuộc chiến tranh: “Họ là Trường Sơn bằng xương bằng thịt/ Nghìn cây số đường rừng đường núi họ từng qua/ Giờ họ bước từ nhà ra ngõ/ Chiều quẩn quanh từ ngõ lại vô nhà/ Chiếc nạng gỗ mấy lần thay/ Hai ống quần buông thõng/ Chợt nhớ hai bàn chân bom tiện đứt/ Chợt nhớ tên mấy thằng đồng hương đồng ngũ/ Chết trong trận bom vùi trên đỉnh núi trắng sương bay”.
Trần Mạnh Hảo, quê xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) thuộc lớp nhà thơ xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã nói lên tiếng nói của thế hệ những người trẻ tuổi cầm súng bước vào trận chiến quyết liệt với kẻ thù. Trong bài thơ “Nói nhỏ với sông Hồng” ông đã viết những vần thơ thể hiện sự nếm trải tột cùng những gian khổ hy sinh của người lính: “Những năm chiến tranh/ Mỗi lần máu đồng đội tôi rơi ướt đất/ Thắt ruột gan tôi lại nhớ sông Hồng/ Đêm rừng phương Nam chợt quay về phía Bắc/ Thấy bên trời vệt lửa cháy thành sông”. Ông tự hào về thế hệ của mình với những con người sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh: “Thế hệ chúng con ồn ào dày dạn/ Sống thì đi mà chết thì nằm”. Trong trường ca “Mặt trời trong lòng đất” viết tặng địa đạo Củ Chi anh hùng với năm chương: Hạnh phúc, Nhập cuộc, Khát vọng, Hy sinh, Chiến thắng, nhà thơ đã tạo ra một bức tranh khái quát về cuộc sống chiến đấu ngoan cường của đất và người Củ Chi. Dưới lòng đất đai che chở cưu mang, họ đã sống đùm bọc nhau để bám trụ chiến đấu, chiến thắng sự huỷ diệt khốc liệt của kẻ thù.
Thuộc thế hệ nhà thơ sinh ra trong thời đại mang sứ mệnh cao cả: đánh giặc và làm thơ, nhiều nhà thơ quê hương Nam Định thời chống Mỹ như Bế Kiến Quốc, Vũ Quốc Ái, Phạm Trọng Thanh, Hoàng Mạnh Thường, Vũ Minh Am, Hoàng Trung Thuỷ, Trần Trung Hiếu, Phạm Trường Thi, Phạm Vĩnh… đã góp thêm những tiếng thơ về những năm tháng hào hùng của dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Một thời những bài thơ về sự mất mát hy sinh của những người lính trong chiến tranh đã trở thành nguồn động viên, khích lệ quân dân ta dũng cảm đứng lên chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và hôm nay, những bài thơ đó vẫn tiếp tục bồi đắp cho chúng ta lòng yêu nước, tình yêu lý tưởng; khơi dậy niềm tự hào về quá khứ đau thương nhưng rất đỗi oai hùng của dân tộc và lòng biết ơn các thế hệ cha anh./.
Lam Hồng