Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.000 di tích lịch sử - văn hoá; trong đó có 77 di tích được công nhận cấp quốc gia, 214 di tích được công nhận cấp tỉnh, bao gồm các loại hình di tích: kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, cách mạng kháng chiến, danh thắng. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công khai hoang, mở đất, chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá, góp phần phát huy giá trị di tích. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hằng năm, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc.
Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) phối hợp với các ngành chức năng từng bước khôi phục các trò chơi dân gian độc đáo trong lễ hội Đền Trần. |
Trên địa bàn huyện Hải Hậu có hàng trăm di tích, trong đó có nhiều di tích được Nhà nước công nhận xếp hạng bảo vệ tôn tạo như: Cầu Ngói - Chùa Lương (xã Hải Anh), Chùa Phúc Hải (xã Hải Minh), Đền - Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc), Chùa Phúc Sơn, Đền Bảo Ninh (xã Hải Phương), Chùa Cồn (Thị trấn Cồn), Chùa Hà Lạn (xã Hải Phúc). Những năm qua, Phòng Văn hóa, Thể thao huyện phối hợp với các ngành chức năng và ban quản lý di tích các địa phương trong huyện tiến hành kiểm kê, nghiên cứu giá trị và đánh giá thực trạng, đồng thời huy động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để trùng tu, bảo tồn di tích. Xã Hải Minh huy động nhân dân đóng góp, sửa chữa Đền Thuỷ tổ, tập trung vào các hạng mục: tiền đường, trung đường, cổng tam quan, vườn bia với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ở xã Hải Anh, nhiều cá nhân ủng hộ 30-40 triệu đồng, xã đã đầu tư xây lại Nhà tổ, xây lại hành lang đông tây của Chùa Lương với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng. Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa lại đền thờ Tống Hậu, cung nhà Mẫu, tam bảo. Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh xây nhà khách trị giá gần 350 triệu đồng. Chùa Cồn, Thị trấn Cồn được nhân dân trong huyện và con em xa quê đóng góp kinh phí làm đường phía trước chùa, tạo cảnh quan di tích khang trang, sạch đẹp. Trong 3 năm trở lại đây, huyện Xuân Trường đã tiến hành trùng tu, tôn tạo hàng chục di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng được huy động từ việc xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tiêu biểu như: chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng được đầu tư, tôn tạo với kinh phí trên 16 tỷ đồng; chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường khởi công tu sửa từ đầu năm 2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; Chùa Trung, xã Xuân Trung vừa hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các di tích như: đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; đình, chùa Lạc Quần, xã Xuân Ninh; đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong… đã được tu bổ với kinh phí từ 200-500 triệu đồng. Huyện Vụ Bản có hàng trăm di tích; trong số 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, có 7 di tích cấp quốc gia. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay có trên 500 hạng mục của hơn 150 di tích được đầu tư trùng tu tôn tạo. Bên cạnh đó, ban quản lý di tích các địa phương trong huyện còn thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng chí Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, năm 2008, UBND huyện Vụ Bản đã ra quyết định thành lập Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy và phê duyệt đề án đổi mới công tác quản lý khai thác và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy. Trong những năm qua, từ nguồn công đức của khách thập phương, huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 18 di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn lực vật chất, tinh thần từ xã hội hoá di tích và lễ hội được các thủ nhang sử dụng đúng mục đích trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, góp phần tạo cho quần thể di tích Phủ Dầy ngày càng hoàn thiện so với nguyên mẫu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vẫn tồn tại những hạn chế. Ở các di tích chưa được xếp hạng, nhân dân địa phương tự ý sửa chữa mà không xin ý kiến và có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn; dẫn đến di tích bị “biến dạng”, không giữ được yếu tố kiến trúc gốc… Các cấp, các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát các di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích một cách khoa học. Ban quản lý di tích các cấp cần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để tu bổ, tôn tạo các di tích; để phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục lịch sử văn hoá truyền thống và đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và khách thập phương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng