Thơ văn Nam Định viết cho thiếu nhi

07:06, 01/06/2012

Viết cho thiếu nhi vốn được xem là thế mạnh của thơ văn Nam Định, với nhiều tác giả, tác phẩm được các độc giả nhỏ tuổi yêu mến như: “Mái nhà dưới bóng cây” (Bùi Công Tường), “Vàng anh đi hội” (Trần Đắc Trung), “Bắc lên ngọn gió”, “Hoa trái vườn em”, “Quê núi” (Trương Xương), “Chú nhện chơi đu” (Nguyễn Ngọc Ký). Với lòng yêu mến trẻ em, nhiều nhà thơ như Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình, Vũ Quần Phương, Nguyễn Bính, Phạm Trọng Thanh… đã dành nhiều tâm huyết, sáng tác nên những tác phẩm gần gũi với tâm tư tình cảm của lứa tuổi thiếu nhi, góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Một số bài thơ của các tác giả này đã được chọn in trong sách giáo khoa, trong các tuyển tập thơ thiếu nhi, được phổ nhạc thành các bài hát được các em yêu thích.

Phòng đọc thiếu nhi (Thư viện tỉnh Nam Định) luôn thu hút đông các em đến đọc sách.
Phòng đọc thiếu nhi (Thư viện tỉnh Nam Định)
luôn thu hút đông các em đến đọc sách.

Thông qua những sự vật, câu chuyện giàu tính chân thiện mỹ, giúp các em biết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước. Nhà thơ Minh Chính với bài thơ “Hương rừng” được nhạc sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát “Đi học” nổi tiếng với ca từ trong trẻo, giai điệu ngân vang. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký viết cho các em giản dị, tự nhiên như trò chuyện, tâm tình nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhà thơ Trương Xương - tác giả của nhiều tập thơ và nhiều giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi trong tập “Hoa trái vườn em” đã mở ra cả một thế giới thiên nhiên đầy kỳ thú: cái chum nước bé nhỏ nhưng chứa đựng được cả bầu trời, bao nhiêu mây gió, trăng sao; chú Cuội trốn học mải chơi để con gấu đến tận nhà ăn trăng; trái thị thơm lừng - nơi cô Tấm nương náu suốt những ngày vất vả, hoạn nạn và nhiều nhân vật từng rất quen thuộc với các em trong truyện cổ tích như thỏ, rùa, mèo, chuột, sói… Những năm gần đây, mảng thơ văn viết cho thiếu nhi mặc dù không phong phú như trước đây song một số tác giả đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo để độc giả nhỏ tuổi được thưởng thức những tập thơ, văn hay, hấp dẫn như: “Bé nghe điện thoại” (Nguyễn Hồng Vinh); “Chuyện riêng của chuồn chuồn”, “Chíp con thám hiểm” (Bùi Công Tường), “Tìm mẹ” (Bùi Ngọc Dĩnh)... Nhìn chung, các tác giả khi viết cho các em đều chú ý khơi gợi ký ức  tuổi thơ và trí tưởng tượng sáng tạo để nhập vai, cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống con người bằng con mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Hội VHNT tỉnh đã xuất bản tập thơ “Quà tuổi thơ”, tập hợp những bài thơ hay viết cho thiếu nhi của các tác giả người Nam Định hoặc đã từng làm việc, sinh sống tại Nam Định như: Vũ Ngọc Bình, Định Hải, Đặng Hiển, Bế Kiến Quốc... Với 78 bài thơ đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức biểu cảm, tập thơ đã phản ánh chân thực cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của trẻ em về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Tác giả Phạm Quốc Tuấn với những bài thơ ngộ nghĩnh, giàu tính phát hiện đã khám phá thế giới xung quanh bằng ánh mắt của trẻ em: “Sóng òa vỗ tay/ Biển như trẻ nhỏ/ Thích chơi bóng bay/ Thả mặt trời đỏ/ Nối đêm sang ngày”.

Không chỉ nâng cao nhận thức cho các em về thế giới thiên nhiên rộng lớn, các nhà thơ còn gợi mở, bồi đắp, giáo dục các em lòng nhân ái, tình yêu thương cha mẹ, thầy cô, bè bạn, quê hương, đất nước; định hướng kỹ năng sống và cách cư xử với mọi người. Bài thơ “Ngày hôm qua” (Bế Kiến Quốc) thông qua cuộc đối thoại giữa bố và con về thời gian đã chứa đựng một bài học sâu sắc: “Em cầm tờ lịch cũ/ Ngày hôm qua đâu rồi/ Ra ngoài sân hỏi bố/ Xoa đầu em bố cười/ Ngày hôm qua ở lại/ Trong hạt lúa mẹ trồng/ Cánh đồng chờ gặt hái/ Chín vàng màu ước mong/ Ngày hôm qua ở lại/ Trong vở hồng của con/ Con học hành chăm chỉ/ Là ngày qua vẫn còn”. Bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” (Đặng Hiển) lại khơi dậy trong các em tình cảm gia đình đầm ấm, thiêng liêng: “Mấy ngày mẹ về quê/ Là mấy ngày bão nổi/ Con đường mẹ đi về/ Cơn mưa dài chặn lối/ Nhưng chị vẫn hái lá/ Cho thỏ mẹ thỏ con/ Em thì chăn đàn ngan/ Sáng lại chiều no bữa/ Bố đội nón đi chợ/ Mua cá về nấu chua/ Thế rồi cơn bão qua/ Bầu trời xanh trở lại/ Mẹ về như nắng mới/ Sáng ấm cả gian nhà”. Bài thơ “Em hỏi mẹ” (Bùi Công Tường) mang đến cho các em bài học giản dị về phép ứng xử: “Mẹ ơi, cái tăm bé tí/ Sao mẹ lại cầm hai tay/ Còn như xô nước rõ đầy/ Sao mẹ một tay xách thế?/ Xô nước mẹ mang đổ bể/ Cái tăm mẹ đưa mời bà”… Trong các tác giả Nam Định viết cho thiếu nhi hiện nay, đáng chú ý là tác giả Trần Kim Lung. Sau các tác phẩm truyện đồng thoại: “Ếch cốm quê vùng hồ”, “Non ngàn bừng sáng”, “Tiếng chim quê”, ở độ tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài với trang viết, cho ra mắt  hai tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi: “Tuổi thơ bên đồn giặc”, “Cành hoa hoàn chỉnh”, trong đó tác phẩm “Tuổi thơ bên đồn giặc” đã được Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng giải thưởng người cao tuổi năm 2010…

Bên cạnh những tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi được các em yêu mến đón đọc, hiện nay mảng sáng tác văn học cho các em vẫn chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Nguyên nhân là do sáng tác văn học cho thiếu nhi vốn không dễ, các tác giả thành danh trên lĩnh vực này còn ít và sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi không chỉ đòi hỏi phải có tình yêu dành cho thiếu nhi mà còn đòi hỏi phải có tâm hồn trong sáng, phải am hiểu sâu sắc tâm sinh lý lứa tuổi để có thể sáng tác được những tác phẩm phù hợp với thiếu nhi. Để xây dựng được mảng văn học thiếu nhi ngày càng phong phú hấp dẫn, góp phần kiến tạo đạo đức tâm hồn cho các em, cần có sự nỗ lực nhiều hơn của các tác giả, đồng thời có hình thức bồi dưỡng những cây bút trẻ để khuyến khích các em viết cho lứa tuổi của mình./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com