Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng (Ý Yên) là nơi thờ Mẫu Phạm Tiên Nga, được các triều đại phong kiến sắc phong là “Đệ nhất tiên thiên Thánh Mẫu”, được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005, được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao bằng bảo trợ di sản năm 2011.
Ảnh trên: Phủ Quảng Cung, thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng (Ý Yên). |
Theo truyền thuyết dân gian, Mẫu Phạm Tiên Nga là kiếp thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam. Tương truyền Mẫu Phạm Tiên Nga sinh năm 1434 trong một gia đình họ Phạm neo người ở thôn Vỉ Nhuế, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, lớn lên không lấy chồng. Sau khi cha mẹ mất, bà đi khắp nơi cứu giúp nhân dân như đắp đê Đại Hà quanh xã, làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu ven sông, sửa chữa đền, chùa, động viên trẻ em học tập... Bà đã đóng góp nhiều công sửa chữa chùa Sơn Trương (Ý Yên), chùa Long Sơn, chùa Thiện Thành (Hà Nam)… Bà mất năm 1473, được người dân quê hương nhớ ơn lập đền thờ. Theo các tài liệu lịch sử để lại, Phủ Quảng Cung được xây dựng ngay sau khi bà mất trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu và được tu sửa nhiều lần, đến năm Duy Tân thứ 5 (1911) được tôn tạo to đẹp trang nghiêm. Sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, năm 1973 Phủ Quảng Cung được nhân dân địa phương phục hồi xây dựng. Đặc biệt từ đầu năm 2001, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, sự đóng góp của nhân dân và khách thập phương, phủ được tu bổ khang trang, xây dựng thêm các cung thờ, hồ bán nguyệt. Hiện nay, trong phủ còn giữ được nhiều đồ tế tự quý hiếm. Đó là tượng Mẫu Phạm Tiên Nga bằng đồng với tư thế ngồi thiền trên toà sen được tạc năm 1770, các nếp áo được tạc giản dị, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán “Quảng Cung linh từ”. Ngoài ra, còn bát hương bằng đồng, 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, 3 sắc phong thời nhà Nguyễn cùng với các hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu. Lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm, trong đó đặc sắc nhất là lễ rước kinh lấy nước và lễ tế nến đêm mùng 4 tháng 3. Tại bến đò Vọng có 5 thuyền và 1 chiếc kiệu hoa, trên kiệu có gắn quả bầu khô tượng trưng cho việc lấy nước của Mẫu và dụng cụ lấy nước gồm 2 muôi đồng và 1 chóe đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Mẫu do 8 thiếu nữ khiêng, trang phục đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt lưng. Sau khi các bô lão trong làng và ban tổ chức làm lễ, thủ nhang múc nước vào chóe bằng sành và thả tiền vàng, thuyền quay nhiều vòng giữa sông sau đó mới vào bờ. Chóe nước thiêng sau đó được đặt trên kiệu Mẫu rước về Phủ Quảng Cung. Ngày nay, lễ hội vẫn được nhân dân địa phương duy trì, thu hút rất đông khách thập phương đến tham dự.
Trên địa bàn tỉnh ta có 2 địa danh là Phủ Quảng Cung (Ý Yên) và Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) gắn với thuyết "tam sinh, tam hóa" của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cụ thể là lần giáng thứ nhất và lần giáng thứ hai của Thánh Mẫu. Hai địa điểm này chỉ cách nhau 10km, rất thuận lợi để xây dựng thành tour du lịch tâm linh. Cách Phủ Quảng Cung khoảng 5km ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân có cây dã hương khoảng 500 năm tuổi. Ngay tại xã Yên Đồng, từ Phủ Quảng Cung xuôi xuống gần 2km là bến đò Vọng trên sông Đáy tương truyền là nơi Mẫu lấy nước để chữa bệnh cho nhân dân. Tại đây, Thủy Phủ Mẫu đang được xây dựng. Các điểm du lịch này có thể gắn kết tạo thành tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn trong dịp lễ hội đầu xuân./.
Bài và ảnh: Đức Thiện