Nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại quê Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông không chỉ nổi tiếng bởi tấm gương về nghị lực sống vì bị liệt hai tay từ nhỏ, ông đã dùng chân để viết chữ, vượt lên số phận nghiệt ngã, mà Nguyễn Ngọc Ký còn được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận với 3 kỷ lục: Nhà giáo Việt Nam đầu tiên viết bằng chân, Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân, Tác giả viết nhiều câu đố nhất Việt Nam.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký bên tấm bằng xác lập kỷ lục Nhà giáo Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. |
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký nổi tiếng từ năm 14 tuổi với những bài thơ hồn nhiên viết cho thiếu nhi được đăng trên Báo Sông Đào (tiền thân của Báo Nam Định), Báo Thiếu niên tiền phong. Từ đó đến nay, ông đã có hơn 40 năm liên tục chuyên tâm việc sáng tác phục vụ lứa tuổi thiếu nhi. Các tác phẩm chính của Nguyễn Ngọc Ký là “Những năm tháng không quên” (1970), “Chú nhện chơi đu” (thơ - 1992), “Quả bí kỳ lạ” (truyện thơ - 1995), “Ngôi nhà hoa” (thơ - 1997), “Câu đố vui” (thơ đố - 1998), “Rau gì trồng ở đầu ao” (thơ - 2005).
Năm 2011 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký in cùng lúc 6 cuốn sách dành cho thiết nhi, trong đó có 3 tuyển tập Những câu đố vui tâm đắc dành cho tuổi học trò (190 câu đố/tập, NXB Trẻ). Ông cũng là người có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học trò. Năm 2011, NXB Trẻ xuất bản tập thơ Điểm 10 tung tăng tuyển chọn 120 bài thơ của ông, thì có 3 bài trong tập thơ này được đưa vào sách giáo khoa: Nặn đồ chơi (lớp 1), Con đường làng (lớp 2), Em thương (lớp 3).
Trước thực trạng học sinh ngày càng ngại học lịch sử và chất lượng môn học này trong trường phổ thông đang đi xuống, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký đã nảy ra sáng kiến sáng tác câu đố bằng thơ lục bát về các nhân vật và sự kiện lịch sử, để các em dễ thuộc, dễ nhớ và hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức. Đến nay, ông là người sáng tác nhiều câu đố nhất Việt Nam với hơn 15.000 câu đố. Chẳng hạn ông đố về thầy giáo Chu Văn An: “Ai người thầy giáo tuyệt vời/ Trò ông bao đấng nên người tài danh/ Thương dân, căm lũ nịnh thần/ Dâng “Thất trảm sớ” chẳng cần lợi danh”. Hay câu đố về anh hùng Trần Hưng Đạo: “Nổi danh vị tướng nhà Trần/ Biệt tài mưu lược, thủy thần lập công/ Góp phần đại thắng Nguyên Mông/ Bạch Đằng sáng mãi tên ông đời đời…”. Các nhân vật trong chính sử và huyền sử của dân tộc đều được nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký đưa vào câu đố, như: Thánh Gióng, Lang Liêu, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Như vậy, dù dạy học hay làm thơ, viết câu đố, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký vẫn trọn đời dành tình cảm yêu mến cho lứa tuổi thiếu nhi dù ông chỉ viết được (và hiện nay là gõ bàn phím vi tính) bằng những ngón chân./.
Văn Lợi