Đời Tây Hán, Sở Hạng Võ chiếm giữ đất Quang Trung còn Hán Lưu Bang vì thế lực yếu nên phải bị đày vào đất Bao Trung.
Trương Lương là bề tôi của Lưu Bang muốn tìm cách làm cho Hạng Võ bỏ đất Quang Trung, để Lưu Bang trở lại chiếm giữ. Trương Lương liền giả là đạo sĩ bị chứng phong ma, nói điên, nói cuồng, lưng buộc tiền đồng, tay áo đựng trái lê, áo sắn, giầy gai đánh trống, gõ mõ đi cùng đường, khi thì ở nơi chùa chiền miễu võ, khi thì đi lang thang khắp phố phường. Trẻ con ở chợ theo coi đông đầy. Lúc đầu trẻ con chưa quen còn ở xa xa, được vài hôm, chúng chẳng còn sợ sệt nữa nên xáp lại gần. Trong đám trẻ con ấy có một đứa trông có vẻ thông minh nên dắt lần vào miễu, không có ai Trương Lương mới lấy bánh và tiền cho nó rồi dạy nó hát: “Kim hữu nhất thân, cách bích diệu tinh, chỉ văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình, phú quý bất hườn hương như ý cẩm dạ hành”.
Khi đứa bé thuộc lòng câu hát, Trương Lương dặn nó về truyền lại cho những đứa khác, nếu có ai hỏi thì bảo là “trời dạy”. Đứa bé vâng lời. Bấy giờ, trẻ con ở chợ đều hát như thế cả.
Lời hát truyền đến tai vua Hạng. Nhà vua nghĩ: “Đó là trời xuống điêu ngôn”. Câu “Kim hữu nhất nhân”, là ám chỉ nhà vua. Còn câu “cách bích diệu linh, chỉ văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình” là nói nhà vua tuy đã có danh tiếng nhưng chưa được truyền rộng ra ngoài. Câu cuối “phú quý bất hườn hương như ý cẩm dạ hành” là có ý muốn nói nhà vua được thiên hạ mà chẳng về xứ sở thì cũng như mặc áo gấm đi đêm. Vì nghĩ như thế nên nhà vua sai người khởi công kiến thiết lại Bành Thành là cố hương của nhà vua và chọn ngày dời đô.
Có quan Gián nghị đại phu là Hàn Sanh khuyên can, cho lời điêu ngôn ấy chính là của người bày đặt, chứ không phải là của trời. Hàn Sanh nói:
- Bệ hạ làm chúa trong bốn biển cũng như cái mặt trời, ai lại chẳng thấy? Ông Mạnh Tử có nói rằng: “Hễ làm thiên tử rồi thì có một tấc đất nào mà chẳng phải là đất của mình, có một tên dân nào mà chẳng phải là tôi của mình, há kể có cái Bành Thành mà thôi sao?
Bá Vương quyết định không nghe. Hàn Sanh bước xuống thềm, ngước mặt lên trời than rằng:
“Thật là mộc hầu nhi quan” (ý nói là khỉ ướt đội mão nhưng lòng không phải là người).
Nghe lời châm biếm quá sâu cay và nặng nề, Bá Vương nổi giận truyền người dẫn Hàn Sanh ra chợ bỏ vô vạc đầu.
Tây Hán Chí
Lời bàn: Đánh trúng vào tâm lý thông thường của con người, Trương Lương đã hoàn toàn thắng lợi.
Người đã làm nên danh phận ở tha phương thì bao giờ lại không trở về cố hương để viếng láng giềng, để rạng rỡ mày mặt, tỏ chút vinh dự... Nhưng đó là lẽ thường tình. Sở Bá Vương đã làm vua thiên hạ rồi, quê hương là Sở quốc, chớ đâu phải chỉ riêng một Bành Thành. Quả thật, làm lớn mà chí nhỏ, nên cơ nghiệp không được lâu bền./.
Theo Xử thế của cổ nhân