Hè về rồi! Sau mấy hôm nắng chói chang, rồi hoa phượng đỏ rực, nhưng hình như vẫn thiếu gì đó. Qua mấy trận mưa rào, lũ ve nằm dưới đất đã bò lên thân cây để lột xác và bắt đầu dàn đồng ca mùa hè. Ký ức những ngày hè tuổi thơ ùa về với nỗi nhớ da diết. Ấy là lúc thi học kỳ hai đã xong, chỉ còn những ngày đến trường “sướng như tiên” vì vừa “trốn” được việc nhà, vừa không phải làm bài tập. Đi lao động dọn cỏ sân trường, vệ sinh lớp…, mệt nhưng thích. Rồi đi thư viện, đến nhà văn hóa thiếu nhi và đặc biệt hè nào bố mẹ cũng cho chúng tôi về quê với ông bà cả tuần xả hơi sau một năm học.
Ảnh: Internet |
Không có quạt điện, không có công viên, nước máy như ở thành phố nhưng với chúng tôi quê hương là chốn “thần tiên” với những triền đê những bãi cỏ để thả diều, thả trâu rộng mênh mông, những sân kho hợp tác rợp bóng nhãn, rồi đình làng vừa linh thiêng, vừa thú vị vì chúng tôi có thể chạy chơi thoải mái trong các ngóc ngách. Về quê, chúng tôi chỉ có tập báo Thiếu niên để dành cả năm có hai nhân vật Bút Thép và Bóng Nhựa bọn trẻ con thích mê, mấy quyển truyện của NXB Kim Đồng, thêm mấy cái ngòi bút, lọ mực tím với mấy gói mực khô để pha dần "làm quà" cho các em nhà chú, thím. Mãi sau này lớn mới hiểu rằng từ những việc nhỏ như thế bố mẹ đã dạy chúng tôi biết chia sẻ, sống hòa đồng với bọn trẻ ở quê và có những ngày hè thần tiên. Không chỉ các anh em trong họ, lũ trẻ trong xóm cũng không phân biệt thân quen, nhanh chóng chơi với nhau rất thân thiết. Chúng bày cho chúng tôi đủ trò chơi, từ tập bơi, đi bắt cua giữa trưa nắng, chiều đến thì thả diều, lội ao vặt những củ ấu tươi non, ăn ngay tại ao ngọt lịm. Trưa nắng chang chang cả bọn đi ra mương vợt lũ cá con, mang về đào những hố nhỏ trong vườn đổ nước thả vào “nuôi”. Chơi chán thì cấu chiếc lá khoai nước to tướng đậy lên trên cho mát rồi đi bày trò khác. Lần nào những con cá cũng chỉ tung tăng được chốc lát trong cái hố nước rồi thì phơi bụng trắng cả vì nước ngấm hết vào đất, mỗi lần mở lá khoai lại thấy tiêng tiếc, tội nghiệp nhìn lũ cá nằm dán bụng vào đất... Quê tôi nổi tiếng với sản vật quýt ngọt thơm lừng, những đầm sen thơm ngát khi hoa nở; đặc biệt là giống dưa chuột nếp. Những quả dưa vỏ xanh trắng có lớp gai mềm li ti ngoài vỏ mùi thơm nức. Chúng tôi thích dậy từ tờ mờ sớm theo người lớn ra vườn bãi để hái dưa. Khi người lớn thồ dưa xuống chợ thì chúng tôi dắt lưng mấy quả dưa ngọt mát men theo những vạt cỏ đê trở về, thi bắt châu chấu. Những con châu chấu lưng xanh, đầu vuông béo múp ánh vàng được xâu vào những cọng hoa cỏ mần trầu vẫn nhảy tanh tách. Chúng sẽ được vặt cánh, rút ruột và rang giòn làm thức ăn mặn, chỉ cần một ít mỡ cho vào chảo là bóng nhẫy. Bữa cơm trưa hè với canh cua đồng, rau đay, mùng tơi ngoài vườn, mướp hương trên giàn, tất cả đều tươi ngon, ăn với châu chấu rang mà ông bà hay gọi là “tôm bay” vừa thơm, vừa bùi. Hương vị ấy giờ đây đã qua mấy chục năm vẫn không thể quên(!). Bọn trẻ ở quê còn bày cho chúng tôi trò vặt trộm chanh tươi, rồi đào một cái lỗ nhỏ ngay trong vườn, thò tay xuống đấy mà bóc vỏ. Những tinh dầu thơm lừng bắn ra ngấm ngay vào đất nên không bị người lớn phát hiện. Chanh chua loét, chấm muối hạt thôi mà sao chúng tôi thấy ngon đến thế! Bao giờ ông bà cũng giục chúng tôi hái về để pha nước chanh uống nhưng chúng tôi vẫn cứ thích hái trộm trong vườn, để rồi khi nghe tiếng người lớn đằng hắng ở trái nhà là chạy tán loạn. Chỉ một tuần đến mươi ngày về quê mỗi dịp nghỉ hè nhưng đã cho chúng tôi biết bao trải nghiệm quý mà sau này lớn lên, đi xa rồi chúng tôi mới dần ngấm và hiểu. Ngày ấy cứ khi vào học hè, bao giờ bài văn của chúng tôi kể về những ngày hè luôn được chấm điểm cao…
Trẻ con bây giờ có lẽ khó có được những ngày hè thần tiên ấy. Chưa hết năm học bố mẹ đã phải đôn đáo lên kế hoạch học hè, rồi tìm thầy. Khá lắm thì được bố mẹ cho đi du lịch biển vài ngày “xả hơi” trước khi bước vào “học kỳ 3” chẳng kém nhọc nhằn so với chính khóa. Chúng có đủ các phương tiện, dụng cụ học tập hiện đại với máy vi tính, thư viện sách báo, rồi thầy giỏi… nhưng vẫn thiếu hụt gì đó trong vốn sống, trong tâm hồn mà những tiện nghi, phương tiện hiện đại không thể bù đắp./.
Vân Anh